Yêu thích nghề đóng sách truyền thống, chàng trai trẻ Trần Trung Hiếu (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tự tìm tòi, học hỏi để khoác lên “tấm áo mới” cho những cuốn sách cũ, cũng như sáng tạo một phiên bản độc đáo cho những cuốn sách mới.
Nhận thấy sự thú vị đến từ ngành nghề đóng sách, Trần Trung Hiếu đã tự mày mò học hỏi trên mạng và tự luyện tập. Hơn 5 năm qua, anh đã cho ra đời hơn 200 tác phẩm sách đóng thủ công bằng tay, hút mắt người xem và cộng tác với một số nhà xuất bản lớn ở Hà Nội.
Đổi diện mạo mới cho sách
Từ xa xưa, sách luôn được xem là công cụ lưu truyền tri thức và được nhân loại nâng niu, giữ gìn như một di sản quý. Song hành với sự phát triển đó, nghề đóng sách thủ công (bookbinding) ra đời cách đây hơn 1.500 năm nhưng đang ngày càng mai một.
Đến với nghề từ một cơ duyên tình cờ khi còn học năm nhất Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trung Hiếu biết đến đóng sách và ngay lập tức bị thu hút bởi loại hình nghệ thuật này.
“Mỗi cuốn sách đều chứa những kỷ niệm và điều đặc biệt riêng, nhưng mà đáng nhớ nhất với tôi phải kể đến một số cuốn như: Nghệ thuật Huế (ấn bản lần 2); Việt Nam sử lược và cuốn Các loài chim Việt Nam. Tôi cảm thấy rất trân trọng nghề này, nhiều khi làm xong cho khách tôi còn giữ lại vài hôm để xem xét, đánh giá và tự chụp ảnh gửi cho khách trước. Ngoài ra tôi cũng thường xuyên liên hệ tới khách hàng để hỏi thăm về tình trạng sách. Nếu có vấn đề gì thì sẽ khắc phục và sửa cho khách”, anh Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, có 5 công đoạn chính để đóng một cuốn sách hoàn chỉnh bao gồm: Đánh giá sách (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc sách, trang trí sách. Nguyên liệu bọc sách thường được sử dụng chủ yếu là da dê hoặc vải chuyên dùng bọc sách ở thư viện.
Khó nhất là phần trang trí sách bằng tay, trang trí bằng các dụng cụ mạ vàng, cạnh sách,... Tất cả các công đoạn đó đều được làm bằng tay, góp phần biến cuốn sách thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, trong đó chứa đựng sức sáng tạo, dấu ấn riêng, đặc biệt là độ bền bỉ của cuốn sách vẫn là thách thức mà các sản phẩm làm bằng máy chưa thể tạo ra được.
Những ngày chập chững, tiếp cận ngành nghề mới, bản thân anh Hiếu gặp phải không ít khó khăn. “Rào cản ngôn ngữ, vì các tư liệu, các từ khóa chuyên môn, kiến thức mới đều là tiếng nước ngoài. Số người ở Việt Nam biết nghề rất ít nên đa phần phải học tập, liên hệ với các thầy qua mạng bên Úc và Mỹ, kèm theo đó không có bất kì dụng cụ nào ở Việt Nam, mình đã mất tới 2 năm để có thể hiểu các kiến thức cơ bản và làm được một cuốn sổ tay như ý muốn”, anh Hiếu trải lòng.
Là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành nghề mới, anh Hiếu đã từng bị gia đình phản đối vì cái nghề lạ lẫm, không biết có ai thuê làm hay không. Cộng thêm khó khăn kinh tế vì tiền mua dụng cụ rất đắt, phải nhập từng cái từ nước ngoài hoặc thuê nhân công tự chế,... Mặc dù trải qua rất nhiều thử thách khi tiếp cận với loại hình nghệ thuật hiếm có nhưng anh vẫn luôn yêu thích công việc hiện tại. Đối với anh, nghề đóng sách hội tụ đủ các lĩnh vực mà bản thân anh yêu thích, từ nghệ thuật, tri thức cho đến thủ công, thậm chí nghề còn giúp anh thỏa mãn được thú vui săn đồ cổ.
Khát vọng lưu giữ tri thức còn mãi với thời gian
Dưới bàn tay khéo léo của chàng thanh niên 9x, những cuốn sách cũ như được “khoác lên mình chiếc áo mới” với khát vọng lưu giữ tri thức còn mãi với thời gian. Đối với những cuốn sách có tuổi đời hơn 100 năm hoặc một số cuốn sách duy nhất còn sót lại thì việc xử lý sách đòi hỏi ở người tài hoa sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và nâng niu hết sức có thể.
Nói đến việc theo đuổi đam mê nghề thủ công truyền thống, anh Hiếu nghẹn lòng muốn gửi gắm tới các bạn trẻ có mong muốn theo nghề: “Thứ nhất, nghề này thường làm về sách cũ, sách cổ nên các bạn phải tôn trọng, học một cách bài bản, trân trọng và làm đúng theo lối xưa để lại và hiểu tại sao họ lại làm như thế, càng học hỏi nhiều càng tốt. Thứ hai là phải thật kiên trì vì nghề này ở Việt Nam mới chớm phát triển thôi chứ chưa có chỗ đứng nào vững chắc nhưng cũng không nên vì thế mà từ bỏ”.
Với sự tài hoa, tỉ mẩn và tâm huyết với nghề đóng sách thủ công truyền thống, chưa bao giờ anh Hiếu có ý định bỏ cuộc dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Đóng một cuốn sách không chỉ nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ mà còn nâng cao giá trị và làm đẹp cho cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị về tri thức, lịch sử càng cần được bảo quản, giữ gìn. Và nghề gia công, thổi hồn cho những cuốn sách cũng là nghề rất lý thú và có triển vọng trong tương lai.
Nông Thảo Ly