Chàng trai Việt mang 'tranh rác' xuất ngoại

Chàng trai Việt mang 'tranh rác' xuất ngoại

Thứ 6, 10/05/2013 15:59

Có những sản phẩm xuất đi các nước châu Âu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tận dụng những phế phẩm, thổi hồn nghệ thuật từ những chất liệu giản dị của cuộc sống...là những ấn tượng về chàng trai trẻ tuổi Nguyễn Đình Quân.

Một mình đóng hai vai

Tốt nghiệp khoa Đồ họa của viện đại học Mở, Nguyễn Đình Quân chọn con đường kinh doanh để định hướng cho mình. Cậu thật thà cho biết, suốt 3 năm đầu theo học ở trường, cậu luôn mờ nhạt thậm chí đôi lúc còn cảm thấy tự ti vì mình kém cỏi hơn các bạn khác.

Luôn ấp ủ mơ ước muốn làm một dự án nào đó để tạo điểm nhấn, Quân tìm đọc những cuốn sách bổ ích như Đắc Nhân Tâm, Dạy con làm giàu...rồi quyết định khởi nghiệp kinh doanh từ chính những phế liệu quanh mình.

Xã hội - Chàng trai Việt mang 'tranh rác' xuất ngoại

Nguyễn Đình Quân

Trong quá trình theo học, Quân đặc biệt hào hứng với bộ môn tranh phối chất, bởi hơn ai hết cậu như bị mê hoặc từ sự biến hóa tài tình của những chất liệu tự nhiên trong cuộc sống. Với Quân, việc thử nghiệm những chất liệu đó trong chính tác phẩm của mình khiến cậu có cảm giác phiêu như người nghệ sỹ đang làm ảo thuật trên  sân khấu vậy.

Ở Quân có cái tỉnh táo của một người nắm chắc những lý thuyết căn bản của một người làm kinh doanh nhưng lại có lợi thế của một tâm hồn nghệ sỹ.

Quân quan niệm những chất liệu cuộc sống từ đơn giản đến phức tạp đều mang một ý nghĩa riêng. Cậu khát khao chế ngự để tùy ý biến hóa chúng thành những ý tưởng độc đáo mang thương hiệu của chính mình. Dự án làm tranh từ những chất liệu "rác" bắt đầu hình thành.

Bức tranh đầu tiên Quân cho ra đời là một bức tranh trừu tượng mang tên "Khi yêu", được tạo nên từ những chất liệu mà nhiều người coi là rác thải bỏ đi như vỏ trứng, xơ dừa, len, vỏ hoa lay - ơn... Tạo hình bức tranh độc đáo này xuất phát từ một lần Quân đi chơi ở Bát Tràng (Hà Nội), bị hút hồn khi tận mắt chứng kiến những tạo hình độc đáo của các nghệ nhân nơi đây, cậu liền nảy ra ý tưởng làm tranh trừu tượng.

Sẵn những kiến thức được các thầy giáo bộ môn phối chất truyền thụ, cậu nhanh chóng thu về những chất liệu đơn giản và dễ kiếm như: Vỏ trứng, xơ dừa...rồi phác thảo. Bức tranh mô phỏng hai khuôn mặt người, một nam và một nữ với những đặc điểm nhận dạng cơ bản trên khuôn mặt để người xem dễ nhận biết.

Với lớp nền được trang trí tỉ mỉ bằng hạt kê, tạo hình chính hai khuôn mặt bằng vỏ trứng được bóp vỡ một cách tự nhiên, đôi mắt nhắm nghiền mơ màng khi tận hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu được mô phỏng bằng sợi len…tất cả đều toát lên một tổng thể vừa hài hòa, vừa thống nhất nhưng không kém phần độc đáo trong tranh của Quân. 

Khác với những họa sỹ theo đuổi dòng tranh chính thống bằng chất liệu sơn mài, sơn dầu...tự do sáng tác trên những bức toan được làm sẵn, công cuộc tạo dựng sản phẩm của Quân hoàn toàn được làm thủ công từ đầu tới cuối. "Toan" trong tranh của Quân là những mảnh gỗ ván ép được ghép lại với nhau rồi dùng cưa, bào...để tạo hình khối vuông vức.

"Từ đó những ý tưởng được phác thảo lên còn thứ keo để kết dính chất liệu là thứ keo sữa thường được dùng trong công nghệ trang trí nội thất" - Quân nói.

Quân thường nói vui: "Tôi vừa là nghệ sỹ vừa là thợ thủ công". Tuy nhiên tất cả những công đoạn, kỳ công nhất vẫn là công đoạn xử lý vệ sinh để chất liệu vừa thân thiện với môi trường lại vừa có độ bền. Quân cất công gõ cửa các thầy giáo trực tiếp giảng dạy mình và được các thầy hướng dẫn phương pháp tiệt trùng hiệu quả nhất. Từ khâu hòa nước vôi để ngâm chất liệu thế nào cho đúng, chuẩn đến việc phơi bao nhiêu lượt nắng thì cho hiệu quả cao nhất đối với từng chất liệu?!

"Nếu nước vôi loãng hay thiếu nắng thì chất liệu không được tiệt trùng triệt để rất dễ bị ẩm mốc còn nếu nước vôi quá đặc hay phơi nắng quá lâu chất liệu bị giòn, dễ gãy dập..." - Quân chia sẻ.

Xã hội - Chàng trai Việt mang 'tranh rác' xuất ngoại (Hình 2).

Bức tranh đầu tay mang tên "Khi yêu" làm từ vỏ trứng, xơ dừa… của Quân

Đau đầu tìm "bố mẹ nuôi cho con"

Độc đáo của tranh Quân là sản phẩm handmade, hoàn toàn được làm thủ công từ ý tưởng cho đến chất liệu. Chính vì thế tranh Quân không thể sản xuất hàng loạt như các thứ đồ công nghiệp. Quân luôn ý thức mỗi đứa con tinh thần của mình phải được thổi hồn khác nhau. Vì thế ở Quân không bao giờ có hàng nhái.

Nếu khách vì quá yêu thích tạo hình của một bức tranh nào đó và tha thiết yêu cầu chủ nhân làm lại, Quân cũng cố gắng tạo điểm nhấn khác đi để vừa tạo sự mới mẻ cho tác phẩm lại vừa gây bất ngờ cho khách hàng.

Quân tâm sự: "Nghệ thuật không chấp nhận sự rập khuôn mà luôn khuyến khích sự sáng tạo. Chính vì thế tạo hình bức tranh sau dù có rập khuôn theo bức trước thì cậu cũng luôn tìm tòi sự sáng tạo trong chất liệu hay màu sắc để tạo ấn tượng riêng cho dòng tranh độc của mình".

Năm 2011, Nguyễn Đình Quân vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp toàn quốc do phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn, bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng... tổ chức. Từ đó nhiều  cá nhân và tổ chức đã tìm đến Quân đặt mua bản quyền sản phẩm. Chuyến xuất xưởng gần 30 bức tranh sang Pháp vào năm 2011 hầu như đã hút hết "vốn" tranh cậu có vào thời điểm đó. Đây là một mốc quan trọng đánh dấu việc dòng tranh độc của cậu được bạn bè trên thế giới biết đến.     

Quân thường nói vui kể từ khi gắn bó với dự án có một không hai này, Quân dần mang một phản xạ có điều kiện cứ nhìn thấy chất liệu nào là trong óc cậu đã nhanh chóng lóe lên ý tưởng sẽ mang chúng về để phục vụ cho chi tiết nào đó của bức tranh vẫn còn dang dở.

Để tìm kiếm những chất liệu phù hợp, Quân đã khoác ba lô lên vai, ròng rã biết bao ngày tìm về những vùng thôn quê để sống đời nông dân thứ thiệt chỉ với mục đích duy nhất là học cách phân biệt các loại…cỏ. Quân nói: "Trong hàng trăm loài cỏ dại nhưng chỉ có một vài loài có độ dai, phơi nắng không bị giòn, gãy...Thứ cỏ đó phải đảm bảo đủ độ già, có hoa...".

Thậm chí có lần đi qua một ao bèo, Quân chợt nảy ra ý tưởng dùng bèo phơi khô để tạo hình gập ghềnh cho những con đường bao quanh sườn núi trong bức tranh sơn cước còn đang dang dở, cậu đã không ngần ngại để nguyên quần áo và nhảy vội xuống ao để thu về cả một rổ bèo lớn.

Bên cạnh những chất liệu bỏ đi đó,... cũng có những chất liệu Quân phải đầu tư không ít tiền của để có được chúng như: Vải vóc, bạc tán, kê, ngô...Mỗi chất liệu phù hợp với một số chi tiết trong tranh như thân cây thì không tạo hình nào có hồn hơn chất liệu từ xơ dừa bởi sự xù xì, xơ xác hay tạo hình cho khung cảnh bầu trời trong những bức tranh chủ đề phong cảnh miền núi ắt phải dùng đến bạc tán mới lột tả được hết cái âm u, bàng bạc rất đặc trưng của miền sơn cước.

Cái độc đáo trong tranh Quân là cậu thực sự kén người mua. Quân quan niệm những bức tranh handmade của cậu là  những sản phẩm  độc, không đụng hàng nên cậu không đặt nặng mục đích kinh tế lên hàng đầu. Cậu luôn trăn trở mỗi khi quyết định "gả bán" chúng cho khách hàng.

Hầu hết khách tìm đến mua tranh Quân đều là những người yêu nghệ thuật thực sự, bởi cậu quan niệm "nghệ thuật phải được nuôi dưỡng bằng những tâm hồn nghệ sỹ thì mình mới cảm thấy thực sự yên tâm gửi gắm “con” mình".                    

Tuệ Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.