Trao đổi với Người Đưa tin chiều ngày 1/7, Tiến sĩ Đào Văn Cường, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ NN-PTNT cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa gửi văn bản, chấp thuận nhập khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo của Việt Nam bắt đầu từ ngày hôm nay.
“Trước mắt, các cửa khẩu Bằng Tường, Đông Hưng…thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây sẽ là cửa khẩu thông quan thí điểm trong thời gian tới”, Tiến sĩ Cường thông tin.
Trong văn bản gửi phía Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác sản xuất chanh leo, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Quy cách đóng gói, mã số vùng trồng, kiểm soát sinh vật gây hại, chất lượng sản phẩm…cũng là những nội dung phía Trung Quốc yêu cầu kiểm tra chặt chẽ trước khi thực hiện các hoạt động xuất khẩu. Kèm theo đó là danh sách 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong các lô hàng chanh leo nhập khẩu vào nước này.
Theo Tiến sĩ Cường, đây là kết quả có được từ sự nỗ lực của các hoạt động ngoại giao, đàm phán, đối thoại song phương giữa hai nước, đặc biệt là sự cố gắng từ phía Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan trong suốt một thời gian dài.
Chanh leo (chanh dây), được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng bởi vị thơm ngon, chua ngọt hấp dẫn và giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Chanh leo là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và vitamin A. Năm 2021, đây là loại quả thuộc top 10 có giá trị xuất khẩu cao nhất.
Cây chanh được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm gần 60% tổng diện tích của chanh cả nước. 5 năm trở lại đây, diện tích chanh leo liên tục gia tăng, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk và Gia Lai với sản lượng hàng năm ước đạt 135 nghìn tấn. Đem lại nhiều cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.
Trên thế giới, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chanh leo đứng thứ 4, chỉ sau Brazil, Peru, Ecuador.
Điều kiện thổ nhưỡng đã giúp trái chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và được người tiêu dùng tại các thị trường Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan…yêu thích.