"Dân phản ứng vì mất niềm tin vào xe công"?
Trao đổi với PV, ông Dương Mạnh Hưng, trần tình: Suốt một tuần qua ông đã "ăn không ngon ngủ không yên" khi mỗi lần mở báo ra đọc, những nhận xét và ý kiến của nhiều người cũng khiến ông rất trăn trở.
"Tôi không nghĩ mình sẽ gặp quá nhiều chỉ trích như thế, bởi tôi nghĩ đơn giản rằng mua xe tốt để làm việc vì tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai càng ngày càng phức tạp. Anh em đi xe cũ đã không còn bảo đảm an toàn giao thông, mình là người kiểm tra giao thông mà đi chiếc xe như vậy thì bắt lỗi được ai? Vì vậy nên tôi muốn mua dòng xe tốt để phục vụ tốt nhất có thể cho công việc chứ không phải mua xe để phục vụ bất cứ cá nhân nào", ông Hưng nói.
Theo lý giải của ông Hưng, cũng có thể mọi người quá nhạy cảm về vấn đề xe công, điều đó là tâm lý dễ hiểu, bởi trước đây có nhiều cơ quan mua xe công "xịn" để phục vụ công việc nhưng có hiện tượng sử dụng không đúng mục đích, thậm chí có xe công chỉ phục vụ cho cá nhân. Nhưng trong trường hợp Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai mua 8 chiếc xe mô tô 250cc là hợp lý, bởi đặc thù công việc của thanh tra giao thông là phải đi trên đường để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự và đảm bảo an toàn giao thông khi làm nhiệm vụ nên cần phải có phương tiện chuyên dụng.
Khi được hỏi ngành thanh tra giao thông có cần thiết phải mua loại phương tiện thiết bị hiện đại "quá mức" thế không, ông Hưng cho rằng, có thể nhiều người chưa hiểu hết về công việc và trách nhiệm của ngành thanh tra giao thông.
"Thường thì công việc này tưởng chừng như chỉ đi tuần và kiểm tra nhưng đa số phương tiện tham gia giao thông ngày càng hiện đại, nhất là phải thanh tra các loại xe ô tô, lúc bình thường không sao, nhưng khi lái xe "dở chứng" bỏ chạy thì các anh em phải đuổi theo để xử lý, nếu xe của mình không chạy nhanh bằng xe của người vi phạm thì sao làm nhiệm vụ được?
Ngoài ra, Nghị Định 71 quy định ngành thanh tra giao thông được phép kiểm tra những người đi xe mô tô phân khối lớn, xem người lái có bằng A2 không, nếu mình đi xe như trước đây thì sao có thể đuổi kịp nếu họ bỏ chạy? Điển hình như hồi tháng 9, chiếc xe tải 30 tấn chạy bạt mạng khi bị kiểm tra, thanh tra giao thông và công an phải rượt đuổi trên 20 cây số... Địa bàn Đồng Nai vốn là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giáp ranh với 5 tỉnh, nên việc thanh tra là vô cùng khó khăn", ông Hưng lí giải.
Chánh thanh tra Dương Mạnh Hưng.
"Mọi thứ đều minh bạch"
Xung quanh vấn đề này, dư luận cũng đặt nghi vấn Thanh tra giao thông Đồng Nai có mối quan hệ "đặc biệt" với công ty cung cấp bởi có thông tin giá 8 chiếc xe mà cơ quan này mua đắt hơn giá cả thị trường. Về vấn đề này, ông Hưng khẳng định rằng không thể có chuyện cơ quan thanh tra "qua mặt" được các ban ngành của tỉnh, bởi trước khi đề xuất ý kiến mua xe, cơ quan phải báo cáo loại xe cần mua, công dụng của nó ra sao, sau đó sở Tài Chính họp, cơ quan kiểm định giá cả để thẩm định và mua dàn xe này rẻ hơn giá thị trường. Sau đó, sở Tài chính đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh và lãnh đạo tỉnh đã cho phép được mua loạt xe trên.
Việc đấu thầu xe cũng rất công khai, làm đúng thủ tục khi kinh phí mua xe không phải từ ngân sách tỉnh mà nguồn 6% từ công tác đảm bảo an toàn giao thông hàng năm được trích cho thanh tra giao thông để mua sắm phương tiện và các công cụ theo thông tư 59 của bộ Tài chính (tiền xử phạt vi phạm giao thông hàng năm-PV)".
Ông chánh thanh tra sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai khẳng định, xe đơn vị này đã mua không phải xe khủng mà là "đặt ké" xe trong lô hàng của Cảnh sát Indonesia đặt 200 chiếc, bởi loại xe này sản xuất theo đơn đặt hàng. Ông Hưng cũng trần tình: "Người ta thường nghĩ xe phân khối lớn là dân chơi, nhưng đó là do cách nhìn, quan trọng là khi người ngồi trên xe là ai. Chiếc xe chỉ là công cụ, nó vốn không sản xuất ra để phục vụ cho giới nào, mà quan trọng chúng ta sử dụng nó vào việc gì, hiệu quả ra sao".
Theo ông Hưng, trong năm 2012, lực lượng thanh tra tỉnh này vẫn phải chạy xe Bonus loại cũ và đến gần đây mới cho thanh lý, bởi 11 chiếc xe đó đã "quá đát", khi hư hỏng không có thể sửa chữa nổi. Sau khi thanh lý các xe cũ trên, UBND tỉnh đã cho phép Thanh tra Sở mua 8 cái xe mới để thay thế.
Ông Hưng nói: "Việc mua xe cũng phải qua bao nhiêu cuộc họp, bàn bạc kỹ lưỡng, chứ đâu phải tiền thuế của dân mình muốn làm sao thì làm, nhưng điều quan trọng là chúng tôi dùng xe vào công việc, sẽ không có bất cứ xe nào của nghành Thanh tra tỉnh dùng vào việc riêng, tôi đảm bảo như thế. Quan trọng là khi mua xe, phải xác định được loại xe đó có thể bảo đảm trong khoảng thời gian dài chẳng tốn tiền để sửa chửa nó, thay vì nếu mua xe của Trung Quốc sẽ có tuổi thọ ngắn hơn. Hiện tại, 8 chiếc xe đang trong thời gian gắn thiết bị chuyên ngành để đưa vào sự dụng một cách sớm nhất".
Cũng theo ông Hưng, có lẽ việc cơ quan ông mua 8 chiếc xe khi cả nước chưa có tỉnh nào mua, nên có thể dư luận không đồng tình. Nhưng sau này nếu tỉnh Đồng Nai làm việc hiệu quả thì có thể những định kiến xe "dân chơi" sẽ không còn nữa. "Cái gì lần đầu tiên cũng khó khăn, nên chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất để không phụ lòng dân, không để mang tiếng là mua xe xịn mà làm việc không hiệu quả", ông Hưng hứa.
Xung quanh vấn đề này, luật sư Ngô Văn Phê - chủ tịch hội Luật gia Long An chia sẻ: "Việc mua xe nếu trích trong ngân sách tiền phạt so với quy định 6% của năm là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề đã gây dư luận trái chiều là có thể người dân đã không tin tưởng vào việc các cơ quan công quyền sử dụng xe công. Nhưng nếu sử dụng một cách hợp lý, chỉ phục vụ cho công việc thôi thì việc một ngành thanh tra tỉnh mua 8 chiếc xe "xịn" để công tác cũng không có gì quá phung phí. Tiết kiệm là tốt nhưng chúng ta nên tiết kiệm tiếp khách, tiết kiệm ăn uống rượu bia... còn những phương tiện cần thiết cho công việc và hợp lý thì nếu cần thiết vẫn phải chi". |
Tô Hương Sen