Vì sao Idlib nóng trở lại?
Kể từ ngày 15/12, các lực lượng Chính phủ Syria được hỗ trợ bởi chiến đấu cơ Nga đã tiếp tục tấn công vào các cứ điểm phiến quân ở phía Nam và phía Đông Idlib.
Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, có ít nhất 72 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tuần qua và các lực lượng Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát Al-Kharibah và Al-Rabiah.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 120.000 dân thường đã chạy trốn khỏi tỉnh Idlib để đi về phía biên giới nước này sau khi lực lượng Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tăng cường tấn công.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình leo thang ở Idlib trong tháng này sẽ khiến cho làn sóng người tị nạn đổ về đất nước sẽ còn tăng thêm.
Theo Ahval News, Nga đã gia tăng áp lực ở Idlib để cho quân Chính phủ Syria từng bước kiểm soát khu vực, bất chấp có thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ trước đó.
Moscow hiểu rõ mối lo ngại của Ankara về sự xuất hiện của làn sóng tị nạn mới và đã sử dụng điều này như một phương tiện để gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải nhượng bộ.
Căng thẳng gia tăng Idlib đã được dự đoán kể từ ít nhất là tháng 11 khi các nhà ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lẫn nhau về việc không duy trì các cam kết đã đưa ra.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Nga không loại bỏ các chiến binh người Kurd ra khỏi vùng an toàn mà cả hai bên đã đồng ý sau Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Nga đã đáp trả lại bằng cách nhắc nhở đối tác về thất bại của họ trong việc loại bỏ các chiến binh thánh chiến, bao gồm nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ra khỏi Idlib, vốn là điều kiện mà hai bên thỏa thuận.
Các chuyên gia đánh giá, bất đồng mới nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ có liên quan đến các giới hạn hợp tác giữa hai bên và dựa trên các ưu tiên cạnh tranh của cả hai ở Syria.
Rõ ràng nhất trong số đó là những lập trường khác biệt liên quan đến Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Ankara coi là khủng bố và là một phần mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - kẻ thù trong hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, quan điểm này không được người Nga chia sẻ, khi Moscow tuyên bố người Kurd cần có một vị trí trong các cuộc đối thoại chính trị, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ không muốn điều này, Alexey Khlemnikov, chuyên gia từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga cho biết.
“Nga không xem YPG hay SDF là một nhóm khủng bố và liên tục kêu gọi họ tái hợp tác với Damascus”, ông nói.
Chảo lửa bấp bênh
Khi nói đến Idlib, Nga đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì không thể hoàn thành nhiệm vụ loại bỏ các chiến binh HTS ra khỏi khu vực.
“Quá trình phân tách những kẻ khủng bố ở Idlib chưa được thực hiện. Những kẻ khủng bố còn lại vẫn hoạt động ở đó và chúng gây ra mối đe dọa cho quân đội Syria và binh lính của chúng tôi”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitriy Peskov mô tả.
Idlib được coi là pháo đài cuối cùng của phe đối lập Syria chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và mặc dù có hai thỏa thuận ngừng bắn, Nga vẫn liên tục ủng hộ các cuộc tấn công của quân Chính phủ.
“Sự bế tắc ở Idlib liên quan đến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể được mô tả như thanh kiếm Damocles - quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”, chuyên gia về Nga và Thổ Nhĩ Kỳ Kerim Has nêu quan điểm.
Cần phải lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận, đặc biệt là việc loại bỏ các chiến binh HTS, hiện đang kiểm soát hầu hết Idlib.
Giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động để chống lại người Kurd, các động thái mới ở Idlib là lời cảnh báo của Nga đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ không nên bước qua ranh giới bên trong Syria.
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với sự hiện diện của các phần tử YPG còn lại gần vùng an toàn của họ, thỏa thuận giữa Damascus và người Kurd đã làm giảm khả năng truy quét đến cùng của Ankara.
“Điều này đã cho thấy sự bất lực thực sự của Tổng thống Erdogan khi ông không thể toàn quyền hành động để làm suy yếu các ưu tiên của Nga”, chuyên gia Khlemnikov đánh giá.
Bất chấp những điều này, không có khả năng Moscow hay Ankara muốn phá vỡ mối quan hệ đối tác để lãng phí những gì cả hai đã xây dựng với nhau thời gian qua.
Ankara vẫn kiên quyết rằng họ sẽ loại bỏ mọi mối đe dọa mà họ thấy từ YPG. Nhưng điều này đang trở thành một ý định giày vò Thổ Nhĩ Kỳ khi Nga đang gác cổng các hành động ở miền Bắc Syria của nước này thông qua vấn đề Idlib và nắm toàn quyền quyết định số phận người Kurd.
Sau chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã nổi lên như một nhà trung gian mới về vấn đề người Kurd. Đây sẽ là một con đường khá chông gai để Ankara thích nghi với thực tế mới này.