Mới đây, tại Hà Nội Công ty cổ phần Kinh doanh F88 kết hợp cùng báo Dân Trí đã tổ chức buổi tọa đàm “Vượt rào cản vốn và kiến thức, doanh nghiệp nữ chủ cất cánh”. Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời gồm bà Lê Hằng - Thạc sĩ quản lý và marketing, Founder (người sáng lập) hệ thống phòng tập GymHaus Boutique Fitness; bà Nguyễn Hoài - Founder thương hiệu Bánh chưng Nương Bắc, bà Lê Quỳnh Trang - Giám đốc truyền thông thương hiệu F88.
Khi phụ nữ khởi nghiệp
Tại đây, các khách mời đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tế, ý tưởng khởi nghiệp, quy trình quảng cáo tiếp thị. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn mang tới những tư vấn về kiến thức, cách thức huy động và sử dụng vốn, kiểm soát quản lý dòng tiền, phát triển kinh doanh cho phụ nữ Việt muốn khởi nghiệp với các dự án nhỏ. Mở đầu tọa đàm, các khách mời mang đến câu chuyện khi họ bắt đầu với những rắc rối về "vốn làm ăn".
Là người làm ngân hàng 10 năm, bà Lê Hằng rất hiểu về tín dụng cá nhân khi thường xuyên làm thẻ tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, khi quyết định khởi nghiệp, bà lựa chọn không vay ngân hàng mà lại vay một số tiền nhỏ của ông xã, bởi bà nghĩ nếu kinh doanh không thành thì cũng không "đứt".
Không như bà Hằng, founder thương hiệu Bánh chưng Nương Bắc lại gặp nhiều rào cản khi vay vốn bởi ngày đó bà không có nhiều kiến thức và còn mang trong mình nỗi sợ của việc vay mượn.
“Mình cảm thấy rất tiếc vì ngày khởi nghiệp mình lại không vay vốn, dù rằng khi bắt đầu thì ai cũng cần được bổ sung nguồn vốn này. Mình nghĩ nhiều phụ nữ ở đây có cùng nỗi sợ vô hình như mình, sợ bị lừa, sợ không trả được. Nỗi sợ ngày đó lớn quá khiến mình không dám đi vay, và vì thế, cơ hội kinh doanh của mình đã chậm hơn, khi mình có lượng vốn ít ỏi và phải xoay sở với nó.
Nhắc đến vay vốn, bà Lê Quỳnh Trang - Giám đốc truyền thông thương hiệu F88 cũng chia sẻ: “Phụ nữ Việt Nam luôn mong có nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp để có thể dễ dàng trả nợ, vì họ thường lo xa. Do đó, họ chọn các nguồn an toàn, uy tín tin cậy như người thân, bạn bè hay một số quỹ cho vay phi chính phủ. Nhưng bên cạnh việc dễ vay thì nguồn vốn này rất hữu hạn, do đó, để tìm được nguồn này thì cũng cần phải có những điều kiện đặc biệt.
Ngân hàng là nguồn ưu tiên lựa chọn thứ 2 vì là chuỗi hệ thống chính thống, lãi suất vừa phải. Nhưng để vay vốn ngân hàng thì phải đáp ứng được nhu cầu khắt khe về hồ sơ vay, với các hạng mục chứng minh nhân thân, khả năng tài chính, mục tiêu vay và khả năng trả nợ.
Vậy nên nhiều hình thức cho vay khác nhau xuất hiện trên thị trường. Những hình thức có ưu điểm và nhược điểm khác nhau, càng vay dễ thì càng tiềm ẩn rủi ro cao. Phụ nữ cần tìm hiểu rõ về từng nguồn vay, xem nguồn nào đáp ứng đúng nhu cầu, từ đó có những lựa chọn phù hợp”.
Để biết đó có phải đơn vị uy tín khách hàng cần tìm hiểu mô hình kinh doanh có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, giấy phép đăng ký kinh doanh của đơn vị cho vay, các thông tin công khai trên mạng xã hội hay địa điểm kinh doanh (đơn vị kinh doanh mà có địa điểm kinh doanh thì thường sẽ uy tín hơn các đơn vị online) và đặc biệt là nguồn báo chí chính thống, người thân xung quanh mình.
Có một dòng vốn ổn định được xem như là một ưu tiên kiên quyết để mở rộng quy mô và duy trì được doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn trong việc vay vốn bị ảnh hưởng rất nhiều trong bối cảnh chung. Cân nhắc tìm hiểu và chủ động tiếp cận đến những nguồn vốn khác nhau với lãi suất phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn.
Hỗ trợ khởi sự kinh doanh
Theo báo cáo Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2024 chỉ ra rằng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là do phụ nữ làm chủ.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, 51% doanh nghiệp Việt Nam hiện có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Phụ nữ làm kinh doanh có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, quan tâm đến người lao động, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội, nhưng họ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực và sức cạnh tranh. Không những thế, nữ doanh nhân lại phải cùng một lúc gánh trách nhiệm kép và chịu định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh.
Riêng với nhóm phụ nữ yếu thế khởi nghiệp với những mô hình kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, hộ gia đình như quán café, quán ăn, cửa hàng thời trang, kinh doanh online…, hai rào cản lớn nhất là trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận vốn, thông tin, công nghệ. Những rào cản này khiến họ gặp khó khi muốn phát triển, mở rộng và cất cánh.
Nhằm hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, bà Trang cho biết F88 đã ra mắt các gói vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vào ngày 8/3; chương trình "Ước mơ xanh",... Đối tượng được hỗ trợ là những phụ nữ không có thu nhập và có mong muốn được kinh doanh để vươn lên trong cuộc sống.
"Hiện tại, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng F88, đặc biệt là phụ nữ kinh doanh siêu nhỏ, nhanh, để đáp ứng nhu cầu xoay vòng vốn, F88 cũng thiết kế những gói vay cho phụ nữ tự doanh với phí ưu đãi tốt.
Chúng tôi muốn khảo sát khả năng từ những nguồn vốn nhanh này sẽ hỗ trợ thị trường như thế nào. F88 hướng đến cho vay có thế chấp bằng phương tiện đi lại, giấy tờ phương tiện hoặc giấy tờ của địa điểm kinh doanh. Khách hàng có nhu cầu có thể đến các địa điểm kinh doanh của F88 để được tư vấn chi tiết”, bà Trang thông tin.
Thông qua hoạt động vay vốn, nhiều phụ nữ yếu thế đã được tiếp cận và biết quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm điều này tác động mạnh mẽ, thiết thực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho chị em phụ nữ và bảo đảm an sinh xã hội. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực đa dạng. Các chuyên gia cho rằng, nếu có đam mê và ý chí cùng tư duy kinh doanh sáng tạo, phụ nữ nên mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp.