Chắp vá cao tốc, quăng quật niềm tin

Chắp vá cao tốc, quăng quật niềm tin

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 6, 19/10/2018 05:00

"Tôi khuyên các bạn phải giữ chữ tín. Ta có thể thành công, có thể thất bại nhưng đừng làm thằng hèn. Đừng có mất uy tín", shark Lê Thanh Việt từng chia sẻ.

Trong kinh doanh, chữ tín là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp và nó là điều kiện sống còn để doanh nghiệp có thể tồn tại.

Điều này có thể thấy rõ nhất trong những câu chuyện kinh doanh của người Nhật, họ đề cao tính trung thực, tính tự giác, họ luôn thực hiện những gì đã cam kết, biết nhận trách nhiệm và chấp nhận mức chi phí cao để bảo toàn chữ tín của mình. 

Như câu chuyện về công ty Fujita (Nhật Bản) thuê nguyên chiếc Boeing 707 để giao hàng sang Chicago là một điển hình. Fujita ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại Chicago (Mỹ) cung cấp 3 triệu chiếc dao nĩa vào ngày 1/9. Tuy nhiên một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ được hoàn tất vào ngày 30/8, tức trước hạn giao đúng... 1 ngày.

Nếu áp dụng cách giao hàng như đã thỏa thuận (vận chuyển bằng tàu, thời gian giao mất 1 tháng) đồng nghĩa với việc lô hàng không thể đến Chicago đúng hạn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hãng Fujita đã quyết định lựa chọn cách vận chuyển theo đường hàng không để giao hàng cho đối tác đúng thời hạn cam kết.

Mặc dù mức phí Fujita phải trả khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng, nhưng họ đã "cứu" được chữ tín của mình.

Một doanh nhân từng nhận xét: "Chất lượng hàng hoá của Nhật Bản không cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn hàng của Việt Nam. Nhưng họ làm 1 chiếc, 1.000 chiếc hay 1 triệu chiếc thì tất cả đều tốt như nhau".

Vì sao người Nhật họ có thể làm được như vậy? Đức tính trung thực, dám nhận trách nhiệm được giáo dục, đào tạo bài bản từ nhỏ, để khi lớn lên, nó trở thành thói quen, thành nếp sống hàng ngày. 

Đối với tôi chữ tín là quan trọng. Khi mình hứa cái gì, lỗ thất bại, thương lượng lại đi không được cũng phải chấp nhận
~Ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn~

Còn doanh nghiệp Việt đang làm gì? Người tiêu dùng đang mất dần niềm tin, từ tiểu thương bán vài cân cà phê đến những dự án hàng nghìn tỷ đồng.

VNPharma nhập khẩu thuốc ung thư giả/kém chất lượng, bất chấp tính mạng của hàng nghìn người vì khoản siêu lợi nhuận trước mắt.  

Tơ lụa Khải Silk từng là niềm tự hào thương hiệu Việt lại tháo mác Made in China để gắn mác Made in Vietnam.

Đất nước xuất khẩu tới 1,8 triệu tấn cà phê đi khắp thế giới mà người dân phải uống cà phê pha đậu nành, cà phê trộn lõi pin.

Và mới đây nhất là con đường nghìn tỷ - cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã ngốn không ít giấy mực của báo giới, làm nóng tất cả những cuộc tranh luận từ quán trà đá đến bàn nghị sự.

Dự án được đầu tư 34.500 tỷ đồng (từ ngân sách và đi vay) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - "ông trùm" trong lĩnh vực đường cao tốc làm chủ đầu tư đã chằng chịt ổ voi, ổ gà khi vừa thông tuyến.

"Tốt khoe xấu che", nhưng bề mặt nhựa đường mỏng manh, bóng láng không che giấu được chất lượng thi công cẩu thả, vô trách nhiệm của các nhà thầu, của chủ đầu tư; không che mắt được những lão nông thiếu kiến thức chuyên môn nhưng thừa tinh thần trách nhiệm.

Ngày 17/10, VEC chính thức thông báo tuyến đường đã được khắc phục xong, những sai phạm của ai cũng sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý triệt để.

Nhưng lòng tin bị sứt mẻ của người dân đối với doanh nghiệp, với các cơ quan chức trách thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hay VEC và bộ Giao thông Vận tải đang hy vọng rằng nó sẽ tự lành, và chằng chịt vết tích như "tấm áo vá" trên tuyến đường nghìn tỷ?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.