Charles Taylor bị nhà tù khét tiếng ngược đãi?

Charles Taylor bị nhà tù khét tiếng ngược đãi?

Chủ nhật, 15/12/2013 01:21

Charles Taylor đã “đi vào lịch sử thế giới” hiện đại khi trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị toà án quốc tế kết án. Taylor thụ án 50 năm ở nhà tù khét tiếng nước Anh - HMP Belmarsh.

Theo người phát ngôn của gia đình cựu Tổng thống, Sando Johnson, sau khoảng thời gian ngắn bị giam giữ tại đây, cựu Tổng thống đã bị ốm nặng. Ông Charles Taylor phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ: Bị bỏ đói và không được uống nước.

Người phát ngôn lo ngại ông Charles Taylor có thể sẽ chết dần chết mòn trong đó. Không chỉ vậy, suốt những ngày giam giữ vừa qua, không ai trong gia đình cựu Tổng thống được trò chuyện cùng ông. Ngay cả đến người vợ của ông cũng chỉ được phép nói chuyện với chồng đúng 10 phút vào ngày ông bị di lý đến Anh.

Gia đình cựu Tổng thống cho rằng điều này là trái luật pháp bởi theo như quyết định của tòa án đặc biệt về Sierra Leone, cựu Tổng thống Liberia được phép liên lạc với người thân và bạn bè.

Tiêu điểm - Charles Taylor bị nhà tù khét tiếng ngược đãi?

Dù tội ác đã quá rõ ràng nhưng Taylor vẫn phủ nhận.

Trước những thông tin này, đại diện của nhà tù HMP Belmarsh đã phủ nhận việc ông Charles Taylor bị đối xử không công bằng và khẳng định gia đình cựu Tổng thống Liberia đã làm to chuyện. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác thì trên thực tế, nhà tù HMP Belmarsh của Anh trước nay vẫn có tiếng tàn nhẫn.

Nhà tù HMP Belmarsh, hiện thân của sự tàn nhẫn

Là một đơn vị tư pháp của quân đội trực thuộc bộ Quốc phòng Anh, từ sau khi được hoàn thành năm 1921 đến nay, nhà tù này chính là nơi giam giữ con em thuộc thành phần "bất hảo" của các tướng lĩnh quân đội và cả những kẻ khủng bố nổi tiếng hay những tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.

Tại đây, cũng đã xảy ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Rất nhiều phạm nhân đã phải bỏ mạng vì chế độ tù giam khắc nghiệt nơi đây. Cái chết của Tổng thống Nam Tư, Slobodan Milosevic năm 2006 là một ví dụ.

Nhìn từ ngoài vào, HMP Belmarsh là một khối nhà bê tông xám xịt, không có cửa sổ nhưng cũng không mấy khác các nhà tù thông thường. Tuy nhiên, khi bước vào trong  mới thấy vì sao nơi đây được mệnh danh là nơi canh phòng cẩn mật nhất thế giới và suốt từ khi đưa vào hoạt động đến nay, chưa có một phạm nhân nào có thể trốn trại. HMP Belmarsh thực sự theo đúng mô hình: Nhà tù trong một nhà tù.

Để vào được khu phòng giam, khách thăm cũng như phạm nhân đều phải đi qua 15 cánh cổng được gắn thiết bị nhận dạng bằng dấu vân tay. Toà nhà dành cho tù nhân là những khối bê tông màu xám, không có cửa sổ và luôn có rất nhiều bảo vệ canh gác. Dọc đường đi vào các phòng giam là những hành lang kín với ánh sáng mờ và các camera an ninh khắp nơi. Tại đây, không bao giờ có chuyện hai cánh cửa trong cùng một khu mở cùng một lúc.

Nghĩa là khi nào đi qua một cánh cửa, bao giờ cánh cửa đó phải đóng lại cánh cửa tiếp theo mới được mở ra. Vì lẽ đó nên cho đến tận bây giờ, gần như chẳng ai biết rõ về nhà tù. Ngay cả trong khu giam giữ, 843 tù nhân cũng chẳng hề biết những gì diễn ra bên trong các phòng khác.

Các phòng giam nằm trên tầng 2. Mỗi phòng giam rộng khoảng 6-7m2, có một ô cửa sổ nhỏ phía trên cao, xung quanh là 4 bức tường ẩm thấp. Góc phòng là một giá treo tivi màn hình 14 inch và một toilet bằng kim loại.

HMP Belmarsh có hai khu phòng giam và theo như xác nhận của Chính phủ Anh vào năm 2012 thì phòng giam của cựu Tổng thống Liberia bị xếp vào khu biệt danh, nơi có 12 phòng giam đặc biệt được xây dựng lại vào năm 1991, giống như phòng giam của cựu Tổng thống Nam Tư. Khu phòng giam này là nơi giam giữ các thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-qaeda hay những tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất của Anh và châu Âu.

Tuy vậy, chẳng phạm nhân nào, dù thuộc loại biệt giam hay ở phòng giam giữ chung, có thể ở lâu tại một phòng nào đó bởi theo nguyên tắc ở đây, cứ một vài tuần các quản giáo lại thay phòng để kiểm tra lại toàn bộ phòng giam nhằm ngăn chặn mọi ý định vượt ngục. Đó là lý do vì sao nhà tù này luôn có số phòng nhiều hơn nhiều so với lượng tù nhân.

Tất cả các phạm nhân khi đã vào đây đều tuân thủ chung một chế độ: Mỗi ngày phải giam giữ ở trong phòng giam 12 tiếng, ăn sáng 20 phút vào lúc 8h10' và có một tiếng được ra ngoài sân để hưởng khí trời, một tiếng tập thể dục và nửa tiếng vệ sinh tắm rửa. 5 tiếng còn lại, các tù nhân hoạt động trong phòng sinh hoạt chung.

Đó là nội quy chung mà thế giới được biết đến tuy nhiên những hà khắc thực sự ở bên trong mỗi phòng giam vẫn còn là điều bí ẩn. Bởi lẽ chỉ cần nhìn vào sự sợ hãi của các phạm nhân cũng như tỷ lệ người bỏ mạng ở nơi đây là đủ biết.

Tiêu điểm - Charles Taylor bị nhà tù khét tiếng ngược đãi? (Hình 2).

Nhà tù khét tiếng của Anh, nơi giam giữ cựu Tổng thống Liberia Taylor.

Vì sao Charles TayLor lại phải vào nhà tù khét tiếng này?

Charles McArthur Taylor sinh ngày 28/1/1948 tại Arthington, Monrovia. Khi chưa nhậm chức tổng thống, con người này đã mang nhiều tai tiếng. Khi theo học tại Mỹ, Taylor đã tham gia nhiều cuộc biểu tình đẫm máu. Năm 1980, Taylor được chỉ định vào làm ở cơ quan Dịch vụ công cộng Liberia. Tuy nhiên ông ta bị sa thải năm 1983 vì biển thủ gần 1 triệu USD và chuyển tiền tới một tài khoản ở ngân hàng ở Mỹ.

Taylor trốn khỏi Liberia để rồi bị bắt vào năm 1984 ở Mỹ. Người đàn ông lắm chiêu trò này bị tạm giam ở Massachusett để chờ trục xuất nhưng khi toà chưa kịp xử thì  tháng 9/1985, được sự giúp đỡ của 4 bạn tù, Taylor đã vượt ngục. Taylor ẩn náu ở Libya và tìm cách gây dựng lực lượng tại đây.

Tháng 12/1989 Taylor lãnh đạo lực lượng Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia tấn công lật đổ chính quyền Liberia, giết hại Tổng thống Samuel Doe. Năm 1997 Taylor trở thành Tổng thống Liberia. Và bắt đầu từ đây, Taylor tung hoành với các hoạt động làm ăn phi pháp và gây nên tội ác tày trời.

Ngay khi nắm quyền Tổng thống, Taylor đích thân điều hành toàn bộ hoạt động khai thác, kinh doanh đá quý để làm giàu cho riêng mình. Lần lượt kim cương, các loại khoáng sản khác và nguồn gỗ quý từ rừng rậm nhiệt đới ào ào chảy ra khỏi biên giới quốc gia, mang về một số lượng kếch xù ngoại tệ cho gia đình Tổng thống và một số người thân tín.

Không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Liberia, Charles Taylor còn tung hoành hoạt động phi pháp sang quốc gia láng giềng Sierra Leone. Taylor khơi mào cho bạo loạn, bất ổn ở Sierra Leone để chiếm đoạt lượng khoáng sản dồi dào, nhất là các mỏ kim cương, của nước láng giềng này. Điều này đã khiến cho khoảng 500.000 người đã trở thành nạn nhân của các vụ giết hại, chặt chân tay.

Tháng 5/2012, cựu Tổng thống Liberia đã bị toà tuyên án 50 năm tù giam sau khi bị quy kết 11 tội danh trong đó có  tội hậu thuẫn phiến quân ở Sierra Leone, những kẻ sát hại và chặt chân tay hàng nghìn người trong cuộc nội chiến tàn khốc ở nước này, để đổi lấy kim cương và phạm tội ác chống lại loài người.

Và với bản án nói trên, Taylor đã “đi vào lịch sử thế giới” thời hiện đại khi trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị toà án quốc tế kết án kể từ sau phiên toà xử tội phạm phát xít sau thế chiến thứ hai.

Và sau khi kết án, người ta nhanh chóng tính đến phương án đưa Taylor đến nhà tù được canh chừng cẩn mật ở Anh với niềm tin rằng chỉ có như vậy kẻ lắm mưu kế và hiểm nguy ấy mới không có cơ trốn thoát.         

Đào Vũ (Theo IndependentUK và AFP)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.