Ghi nhận của phóng viên báo Người đưa tin, chỉ riêng tại đầu kênh Lô 2, Lô 3 của ấp Tân Hải đã có hàng chục hộ phải dùng điện "chia hơi" (hộ gia đình có điện lưới quốc gia sử dụng đồng ý cho các hộ dân sinh sống ở những khu vực lân cận chưa có lưới điện hạ thế kéo điện về). Việc người dân dùng điện "chia hơi" không chỉ tiềm ẩn những hiểm họa khó lường mà còn phải trả giá cao gấp vài chục lần.
Không ai nghĩ những cây đước, cây mắm tạm bợ lại làm nhiệm vụ trở thành trụ truyền tải điện sinh hoạt cho bà con nơi đây. Biết là mất an toàn nhưng do nhu cầu cấp thiết, bà con cũng đành phải chấp nhận. Trụ kéo dây điện đã tệ, dây dẫn điện cũng chẳng khá hơn.
Người dân cho biết, năm nào cũng có ý kiến gửi tới lãnh đạo địa phương yêu cầu được kéo điện. Ngành điện huyện Phú Tân cũng đã từng hứa sẽ kéo điện lưới về cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, năm này, tháng nọ qua đi, bà con vẫn phải dùng điện "chia hơi". Cứ như vậy, đã khoảng 10 năm qua, bà con ở đây cũng cảm thấy “hụt hơi” vì chờ điện.
Bà con phải mua điện với giá 3.000 đồng/kw hoặc vài hộ cùng kéo chung của một gia đình về dùng, rồi chấp nhận trả luôn tiền điện cho chủ hộ. Mặc dù dùng rất tiết kiệm, thậm chí không dám mua những vật dụng tốn điện để sử dụng nhưng hàng tháng, họ cũng phải trả tiền cao hơn mức bình thường từ 2 – 3 lần.
Gia đình bà Trương Thị Thu thuộc diện hộ nghèo. Hai ông bà đều đã ngoài 60 tuổi, nguồn sống chính dựa vào trợ cấp của người con út đi làm tại tỉnh Bình Dương với khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày, bà Thu vẫn phải chăn nuôi thêm, còn chồng phải đi lượm ve chai ven biển để kiếm thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Khó khăn là vậy, nên số tiền hàng trăm ngàn đồng mỗi tháng phải trả để kéo điện chia hơi sử dụng là khá lớn đối với cặp vợ chồng già. Thậm chí, nhà có nồi cơm điện nhưng bà Trương Thị Thu vẫn phải chịu cực nấu củi để đỡ tốn kém.
Bà Trần Thị Giỏi bức xúc nói: “Gia đình tôi sống với điện chia hơi đã từ lâu. Xài nước cũng không dám xài, xài phải hà tiện hà tặng chứ xài nhiều quá đóng tiền điện chịu không nổi. Giờ chỉ nấu nồi cơm, đốt đèn với xài cái quạt gió, bơm nước thôi chứ không dám xài gì nữa. Chỉ vậy thôi mà mỗi tháng tốn gần 400.000 đồng”.
Ông Đinh Văn Chính, người dân đã nhiều năm nay đại diện các hộ dân sống tập trung tại kênh Lô 3 kiến nghị về điện, cho biết: "Biết là mất an toàn, bà con cũng thấy rất bất tiện, muốn trồng thêm luống rau hay làm gì khác cũng không dám. Lần nào có họp hành, bà con lại hỏi đến chuyện điện. Vào năm 2015, khi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo điện lực huyện Phú Tân hứa sẽ kéo điện trong năm 2016, đến nay đã 2 năm rồi, chuẩn bị tới Tết nữa rồi mà không thấy đâu".
Trao đổi với PV, ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: “Bức xúc của bà con cũng nhiều năm rồi. Nhiều lần bà con cũng đề xuất, kiến nghị. Tuy nhiên, ngành điện cho biết, địa phương cũng đã nằm trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn thế nào đó, đến thời điểm này chưa đầu tư được tuyến này. Cho nên, dưới góc độ quản lý địa phương, tôi kiến nghị đối với ngành điện tạo điều kiện trong thời gian sớm nhất có được điện lưới”.