Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt đón nhận nhiều sản phẩm âm nhạc lấy chất liệu từ văn hoá dân tộc. Cái hay, cái đẹp và những nét đặc trưng riêng của văn hoá bản địa, văn hoá dân gian được các nghệ sĩ khéo léo lồng ghép vào các sáng tác.
Loại hình âm nhạc này được người nghe hưởng ứng tích cực, không chỉ chinh phục khán giả nhờ giai điệu bắt tai mà còn nhờ vào yếu tố về không gian văn hoá với nét riêng biệt và khó hoà lẫn vào nhau.
Độc bản và cá tính sáng tạo
Trong muôn màu muôn vẻ câu chuyện và nét đẹp văn hoá, người nghệ sĩ có nhiều cách lựa chọn để thể hiện tài năng và bộc lộ dấu ấn bản thể riêng.
Theo đó, phát huy được tính kế thừa của giá trị văn hoá dân tộc, nhiều nghệ sĩ đã thành công trong công cuộc tìm chân thiện mỹ trong một tác phẩm âm nhạc đương đại giàu dấu tích văn hoá.
Tính độc bản được đề cao, bởi âm nhạc người này không thể hoà lẫn âm nhạc người kia dù cho tất cả đều đang có cùng hướng đi là khai thác chất liệu dân tộc. Ví như Gieo quẻ của Hoàng Thuỳ Linh và Thị Mầu của Hoà Minzy sẽ chẳng đúng nếu đặt lên bàn cân so sánh giá trị tác phẩm nào hay hơn về mặt văn hoá.
Sản phẩm của mỗi người đều sẽ kể một câu chuyện riêng bằng giai điệu riêng như thể cùng một đề thi văn và thu lại hàng trăm cách diễn đạt, góc nhìn và thông điệp riêng.
Gần đây nhất, sáng tác À lôi của Double 2T và producer Masew đã làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội. Bài hát như một trào lưu trong giới trẻ vì sở hữu giai điệu sôi động, kết hợp hiệu quả giữa văn hoá Dân tộc thiểu số với Rap.
Thông qua bài hát, nét đẹp văn hoá vùng Tây Bắc được phổ biến rộng rãi, cá tính người nghệ sĩ được thể hiện rõ ở việc lấy đặc trưng vùng miền để tạo nên một trào lưu thú vị trong trải nghiệm cảm thụ âm nhạc. À lôi là một câu cảm thán quen thuộc của người Tày, cộng thêm tiếng khèn, sáo mèo đã mở ra một không gian văn hoá vùng cao đặc sắc.
Trước đó, sáng tác Để Mị nói cho mà nghe (2019) của Hoàng Thuỳ Linh cũng từng tạo nên hiệu ứng tích cực nơi khán giả khi sử dụng âm hưởng dân ca, phác hoạ văn hoá dân tộc Mông thông giai điệu lôi cuốn cùng trang phục đặc trưng.
Tác phẩm Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau của ca sĩ Bích Phương cũng là một trong những sáng tác lấy chất liệu dân tộc để tái hiện đám cưới dân tộc Dao. Trong MV, nhiều di sản văn hoá vùng cao được giới thiệu, rực rỡ sắc màu của những chiếc váy thổ cẩm cùng nghi lễ cưới thú vị được giới thiệu.
Sắp tới đây, Hoàng Thuỳ Linh còn tổ chức Vietnamese concert, dự án này tiếp tục đưa đến khán giả màu sắc âm nhạc đậm chất dân tộc Việt, đây là cách mà nữ ca sĩ đã khéo leo đưa vào các sáng tác của mình trong suốt nhiều năm qua.
Đạo diễn Kawaii, người đứng sau concert lần này của Hoàng Thuỳ Linh cho biết: "Bằng nhiều phong cách thể hiện khác nhau trong từng phân cảnh, lấy cảm hứng từ nghệ thuật Pháp lam Huế, tranh Hàng Trống và nhiều phong cách khác… ê-kíp muốn thể hiện niềm tự hào với các giá trị văn hóa trải dài khắp đất Việt - dù đa dạng nhưng thống nhất. Ngoài ra còn có sự phối hợp với các yếu tố hiện đại như chính âm nhạc của chị Hoàng Thuỳ Linh. Từ cồng chiêng Tây Nguyên, Biên chung Nhã nhạc cung đình Huế,… đến Cello hay GrooveBox… bọn mình đều tìm cách kết hợp hình ảnh sao cho thật hài hòa và thú vị".
Chất liệu dân gian trong âm nhạc hiện hữu từ lâu đời
Nền âm nhạc mới Việt Nam đón nhận nhiều tác phẩm khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc. Điều này được thể hiện một cách rực rỡ nhất trong nền âm nhạc cách mạng và tiếp tục phát triển trong gần 90 năm qua.
Hò kéo pháo (1954) của nhạc sĩ Hoàng Vân khéo leo đưa điệu hò sông Mã, giai điệu thường dùng trong lao động sản xuất. Sáng tác Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt lấy âm hưởng câu hò sông nước Nam Bộ làm màu sắc chủ đạo, chinh phục được biết bao người nghe bởi chất trữ tình, sâu lắng cùng giá trị văn hoá sâu sắc.
Trong những sáng tác của người nhạc sĩ đại thụ Trịnh Công Sơn, người nghe hoà mình vào những ca khúc trữ tình, giàu tính tự sự và triết lý. Dù xuất hiện không nhiều nhưng chất liệu dân gian vẫn hiện hữu trong một số bài hát vang bóng như Tiến thoái lưỡng nan, tựa bài hát được đặt theo câu thành ngữ phổ biến trong dân gian, giai điệu được lấy từ bài dân ca Gió đánh đò đưa. Bài hát ra đời vào những năm cuối đời của cố nhạc sĩ, dường như ẩn bên trong bài hát có một Trịnh Công Sơn phân vân khó định, cả đời trăn trở trong kiếp người, cả đời u uất tìm cho mình một hướng đi...
Làn sóng văn hoá dân tộc ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là các ca khúc của người trẻ. Thông qua âm nhạc, câu chuyện về văn hoá trở nên sống động và thú vị, điều này dễ dàng chinh phục được khán giả thế hệ mới.