Sau đó có khá nhiều những comment chia sẻ từ rất nhiều những bạn bè đang làm doanh nghiệp công nghệ và cả đang làm trong ngành giáo dục đào tạo. Ai cũng cùng chung một suy nghĩ là hệ thống giáo dục của chúng ta đang có vấn đề.
Thật ra chúng tôi không đủ tư cách và cũng không dám phê phán cả một nền giáo dục, nhưng từ tình hình từ chính thực tế khi tuyển dụng, những người quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử như ở công ty tôi, trong tất cả hơn chục mảng công việc đang tuyển dụng như: Sales, Content, Marketing, Online Marketing, Design, Product Management, Developer… Có một bất ngờ là một trong những vị trí khó tìm nhất lại là Developer, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng lập trình là công việc rất cụ thể (so với những mảng mới như Online Marketing, Product Management, UX…) và có nhiều cơ sở, trường đại học đào tạo bài bản như hiện nay thì đây hẳn phải là một vị trí có nhiều ứng viên ứng tuyển nhất. Tuy nhiên thực tế thì đây lại là một trong những vị trí khó tìm nhất.
Kể ra thì số lượng CV nộp về khá nhiều, tuy nhiên để tìm được một người đủ chất lượng thì thật sự gian nan. Hầu hết các CV đều liệt kê một loạt những danh sách dài dằng dặc những kỹ thuật mà mình biết – đa số những trường hợp này khi phỏng vấn đều là theo dạng “kênh nào cũng bắt, nhưng không có kênh nào nét”. Trong khi bản thân chúng tôi lại chỉ cần tuyển những người chuyên sâu một mảng, nhưng phải làm thật tốt, thật chuyên.
Trong những bàn luận trên FB ấy thì có một bạn tự nhận mình là một trong số 100.000 sinh viên đó. Cụ thể bạn này comment như sau (copy nguyên văn):
“Trong 100,000 đó có em, nên em xin có ý kiến thế này. Nếu yêu cầu 1 developer ra trường thông thạo mọi thứ để nhập cuộc = đãi vàng trong cát. Công nghệ thay đổi theo năm, giáo án khoa thay đổi theo thập kỷ chắc là khó đuổi kịp. Cái tụi em có là kiến thức nền tảng và khả năng research để đụng đâu Google đó.
Em không biết anh Hiếu tuyển dụng nhân lực thế nào nhưng chắc sẽ khó mà cạnh tranh với các công ty out source. Bọn họ đến tận trường, thậm chí lập cả trung tâm tại trường và luôn có hệ thống đào tạo để gieo hạt và gặt quả. Chứ không há miệng chờ sầu riêng ạ.”
Đọc comment trên tôi thật sự mong rằng đây chỉ là trường hợp đặc biệt, không đại diện cho hình ảnh của 100.000 sinh viên kỹ thuật trên. Vì nếu là như vậy thì quả rất đáng lo, lo cho những người đang làm doanh nghiệp công nghệ. Lo cho một thế hệ sinh viên – nguồn nhân lực chủ chốt mà chúng tôi đang tìm kiếm lại quá thụ động. Dựa hoàn toàn vào sự đào tạo của nhà trường, hoặc nếu không thì là các doanh nghiệp sẽ đến và đào tạo – trong khi trách nhiệm đầu tiên là các bạn phải chủ động tự trau dồi học hỏi. Lo cho một thế hệ sinh viên với suy nghĩ mình đã có kiến thức nền rồi, thì khi gặp chuyện gì chỉ cần đi google, đây là một kiểu làm việc chắp vá mà tôi đã gặp quá nhiều kinh nghiệm đau thương khi làm việc với những người như thế này (chưa kể đa số những trường hợp này thì kể cả kiến thức nền cũng không tốt).
Bản thân chúng tôi, những công ty công nghệ, đều không dám đòi hỏi nhà trường phải cho ra đời những lớp sinh viên thật tốt có khả năng bắt tay vào việc ngay (dù đây là đòi hỏi rất chính đáng). Chúng tôi chỉ mong rằng những năm trên giảng đường, nhà trường khơi gợi được niềm đam mê lập trình, đam mê công nghệ và đào tạo thật tốt khả năng tự học cho các sinh viên. Ngành công nghệ luôn là một ngành phát triển nhanh, đúng ra thì nhà trường phải luôn cập nhật những kiến thức mới cho sinh viên – nhưng nếu điều đó chưa thực hiện được thì nhà trường chỉ cần tập trung vào hai điều trên có lẽ cũng tạm gọi là đủ.
Phần còn lại là ở chính các bạn sinh viên, đã theo ngành thì phải đi đến tận cùng của sự đam mê, đã đam mê thì phải luôn chủ động tự tìm tòi, học hỏi trau dồi bản thân mình mà không cần phải đợi bất kỳ một ai dạy mình, tạo điều kiện cho mình.
Trưởng phòng kỹ thuật hiện tại của tôi – một người tôi luôn luôn an tâm giao trọn mảng kỹ thuật – là một người tốt nghiệp từ ngành môi trường, một ngành không liên quan gì đến công nghệ và lập trình. Nhưng bạn đã sớm biết mình đam mê điều gì và đi hết mình với đam mê đó, bên cạnh đó là một tinh thần luôn chủ động tự trau dồi, cầu tiến.
Và tôi thật sự mong những người như vậy sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn, thay cho lớp sinh viên thụ động ngồi trông chờ vào sự truyền đạt của người khác. Và làm mọi việc với một tinh thần: làm cho xong!
Cần lắm một nguồn nhân lực chất lượng hơn với đúng ý nghĩa của từ này. Đầu bài nói vui là “than thở” chứ thật ra bài này không phải là một lời than thở, vì doanh nghiệp nếu chỉ ngồi than thở thì có mà chết. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang luôn chủ động tìm cách tự xoay sở để đảm bảo nguồn nhân lực cho chính mình, vẫn phải đi đãi cát tìm vàng, vẫn phải đến các trường đại học lập các trung tâm đào tạo – mà nói đơn giản hơn là đang làm thay công việc đào tạo của nhà trường, hoặc như nhiều trường hợp khác: chọn những người có tố chất, nhận vào công ty rồi đào tạo lại.
Vì sao Silicon Valley là miền đất hứa cho các công ty công nghệ? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đầu tiên, đó chính là nguồn nhân lực. Một nguồn nhân lực chất lượng cao luôn dồi dào, tôi có một vài người bạn đang làm việc tại đây và chúng tôi thường nói vui với nhau rằng ở đó chỉ cần nhặt cục đá, chọi đại cũng có thể… trúng một chuyên gia lập trình.
Đợi chờ một ngày mà các công ty công nghệ có thể tập trung toàn lực vào việc tạo ra công việc, tạo ra dự án, tạo ra môi trường làm việc tốt nhất. Không phải chật vật đi xoay sở để làm thay công việc nằm trong tay của người khác.
Nguyễn Ngọc Hiếu