Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định rằng, trong quá trình triển khai, các chương trình có đánh giá chất lượng, trình độ của giáo viên để quyết định ký hợp đồng tiếp hay không. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều phụ huynh học sinh lại không hề thấy được hiệu quả của chương trình đối với con cái họ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc P., một phụ huynh có con đang học trường tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình - Hà Nội) ngậm ngùi cho biết: Đầu năm học, nhà trường đã thu 6 triệu đồng/học sinh/năm (học 10 tháng/năm). Những tưởng với mức phí đó, con chị P. sẽ có được những kiến thức Tiếng Anh cơ bản tốt nhất. Thế nhưng, vị phụ huynh này tỏ ra khó hiểu khi thấy trình độ con mình chẳng khác gì những đứa trẻ không theo học liên kết. Hiện tại, chị P. vẫn phải cho con học thêm ở trung tâm Tiếng Anh bên ngoài để củng cố kiến thức.
"Dù tự nguyện nhưng ở nhiều trường, số học sinh tham gia chương trình đều đạt 100%. Có thời gian thấy con học chương trình này không tiến bộ, tôi cùng một số cha mẹ đặt vấn đề không cho cháu theo học nữa thì trường nói rằng nếu không học lớp này nữa thì sẽ được chuyển lớp. Mà việc đưa học sinh sang lớp khác tôi lại chẳng biết chất lượng giáo viên lớp mới thế nào, việc chuyển lớp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nên tôi vẫn để con theo học tiếp", chị P. cho biết thêm.
Ảnh: VNN
Tại trường tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), anh Nguyễn Văn T. cũng cho con theo học chương trình liên kết Tiếng Anh. Anh T. bức xúc: "Không yên tâm với việc học tại trường, gia đình bàn nhau cho con đi học thêm ở trung tâm nước ngoài. Một lần thấy cô giáo người Việt phát âm khác cháu liền về thắc mắc. Lúc ấy tôi cũng chẳng biết là nhà trường đúng hay trung tâm đúng nữa".
Chung quan điểm với chị P., một phụ huynh có con học tại trường tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Mức phí cho chương trình liên kết mà mình phải đóng cho con là 500.000 đồng/tháng. Mình chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng miễn sao con mình có thể lĩnh hội được kiến thức tốt nhất. Tuy nhiên, dù đã qua một thời gian dài triển khai nhưng mình vẫn chưa thấy được hiệu quả rõ rệt của chương trình này".
Một phụ huynh có con học tại trường tiểu học Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) lại lo lắng về tỷ lệ giáo viên/học sinh. Theo người này, hầu hết các chương trình nước ngoài khi giảng dạy cho trẻ thì áp dụng theo tỷ lệ 25 cháu/1 giáo viên. Trong khi tại các trường tiểu học, mỗi lớp có tới 40 - 60 học sinh. Lớp với gần 60 cháu và tiết học ngắn ngủi như thế chắc chắn giáo viên không thể đủ thời gian quan tâm từng trò và dạy cho tốt được.
Băn khoăn khi chương trình Tiếng Anh liên kết áp dụng với cả học sinh lớp 1 và 2, vị phụ huynh này chia sẻ: "Các cháu mới học hết mẫu giáo còn đang tập làm quen đánh vần với bảng chữ cái tiếng Việt khá vất vả thì việc đưa chương trình Tiếng Anh vào ngay từ lớp 1, 2 liệu có hợp lý và mang lại hiệu quả hay không. Đó là chưa kể thời gian biểu học của các cháu lại dày đặc. Các cháu đang còn tuổi ăn, tuổi chơi, việc ép học nhiều như vậy chắc chắn học sinh không tiếp thu được.
Tôi nghĩ khi tiếng Việt còn chưa thạo thì làm sao mà học được Tiếng Anh. Đã có chương trình học chính khóa, giờ lại thêm chương trình học liên kết và những gia đình có điều kiện còn cho con theo học bên ngoài... Các cháu còn nhỏ mà sao ép học nhiều thứ quá".
H. Khê - H. Dương