Những tưởng ở nước ta, vấn đề bùng nổ dân số và tỉ lệ sinh cao khiến các chuyên gia và nhà quản lý đau đầu. Nhưng mới đây, thông tin về việc sinh ít lại khiến người ta “ngã ngửa”.
Ngày trước, khẩu hiệu ai cũng thuộc làu là “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con”. Còn bây giờ, ở nhiều nơi lại phải đổi thành “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”.
TP.HCM, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có mức sinh thấp nhất cả nước. Trong khi Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng lại có số sinh rất nhiều. Thực trạng nhiều vùng muốn tăng tỉ lệ dân số thì người dân không chịu sinh, nơi muốn giảm thì lại sinh rất nhiều không phải bây giờ mới xảy ra. Chỉ có điều, nghịch lý ấy đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Quá đơn giản để có thể lý giải cho thực trạng này. Với nhiều gia đình, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ hiện nay cao hơn so với mức thu nhập của đa số người dân; áp lực cuộc sống, công việc; tỉ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng…
Chính chất lượng cuộc sống mới là yếu tố quyết định tới số dân và tỉ lệ sinh. Vì vậy, nếu muốn “quy hoạch” dân số thì trước hết, đời sống người dân phải ở mức cao, thỏa mãn được mong muốn cơ bản của mỗi người, điều kiện gia đình thì lúc đó, muốn “khuyến” gì thì “khuyến”.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả