8h sáng nay (9/1), ứng dụng Air Visual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội trung bình là 149 - mức màu cam. So với hôm qua, chất lượng không khí đã có chút cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng không khí không ổn định, từ 10h hôm nay, không khí ở ngưỡng màu đỏ. Với chỉ số chất lượng không khí như vậy, Hà Nội đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.
Còn ở TP.HCM, chất lượng không khí ngưỡng trung bình, AQI = 152. Chất lượng không khí ở TP.HCM xấu đi. Tuy nhiên, không khí sẽ được cải thiện. Đến 16h, chất lượng không khí về màu vàng. Dự báo chất lượng không khí TP.HCM ngày mai sẽ được cải thiện hơn, ở ngưỡng trung bình.
Những ngày cuối năm, chất lượng không khí ngày càng đi xuống, người dân nên súc họng bằng nước muối ấm. Việc này giúp trung hòa độ axit trong miệng và tạo ra môi trường kiềm bất lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, virus.
Do đó, khi ở bên ngoài trở về nhà, việc đầu tiên bạn cần làm để bảo vệ sức khỏe là hãy pha ngay một ly nước muối ấm để làm sạch khoang miệng, giảm nguy cơ mắc các bệnh về họng và ngăn ngừa sự phát triển của bất kỳ chứng viêm nào.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên rửa mắt, mũi và bề mặt da có tiếp xúc với khói bụi để vi khuẩn không có cơ hội tấn công vùng tai - mũi - họng.
Bên cạnh đó, người dân chú ý đóng các cửa lưu thông không khí từ bên ngoài. Vào những ngày mức độ ô nhiễm không khí, bụi mịn ở mức báo động, đặc biệt là ban ngày bạn nên đóng hết các cửa sổ trong phòng để ngăn ngừa khói bụi xâm nhập vào nhà. Tuy nhiên, cũng không nên "bế quan tỏa cảng" cả ngày, bởi sẽ khiến khí độc như VOC - chất hữu cơ dễ bay hơi có tác hại nguy hiểm không kém bụi mịn PM2.5 không thể thoát ra ngoài.
Bạn có thể mở cửa sổ vào ban đêm. Chú ý, không mở cửa hướng ra ngoài đường hoặc khu vực ô nhiễm. Hoặc trồng cây xanh có tác dụng lọc không khí ở trong phòng.
Phong Linh