Ở thời điểm trước khủng hoảng, Topix Index- chỉ số đo đo lường cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đạt mức kỉ lục tính theo đồng USD vào tháng 12/1989. Vào hôm thứ ba tuần này, chỉ số này giảm thấp hơn mức kỉ lục 28 năm trước là 27%.
Hai nền tài chính lớn khác của châu Á là Thái Lan và Đài Loan cũng chưa bao giờ trở lại thời hoàng kim trước năm 1997 bất chấp những nỗ lực cải cách không ngừng của các chính phủ.
Một thị trường chứng khoán lớn tăng trưởng hiếm hoi ở châu Á là Hàn Quốc. Chỉ số Kospi Index đạt ngưỡng trước khủng hoảng vào năm 2006 và dần tăng lên trong những năm sau đó. Mặc cho căng thẳng leo thang với Triều Tiên cùng hàng loạt bê bối của chính phủ, ngành chứng khoán Hàn Quốc vẫn tiếp tục sinh lời và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm vào ngày 30/6 vừa qua.
Nhiều chỉ số lớn khác của châu Á như Hang Seng của Hồng Kông, S&P BSE Sensex và NSE Nifty 50 của Ấn Độ, JCI của Indonesia hay KLCI của Malaysia cũng đã vượt ngưỡng đạt được năm 1997.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thế kỷ trước bắt nguồn từ Thái Lan. Sự đổ vỡ dây chuyền đã được tiên báo từ trước sau nhiều thập kỉ tăng trưởng nóng của quốc gia Đông Nam Á. Cuối năm 1996, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng quá nóng và bong bóng kinh tế có thể sớm đổ vỡ.
Ngày 14/5 và ngày 15/5 năm 1997, đồng Baht Thái bị đầu cơ quy mô lớn. Ngày 30/6, thủ tướng Thái Lan thời điểm đấy Chavalit Yongchaiyudh tuyên bố sẽ không phá giá Baht, song rốt cục lại thả nổi baht vào ngày 2/7. Baht ngay lập tức mất giá gần 50%, đánh dấu một thời kỳ đen tối của nền tài chính Thái Lan.
Khủng hoảng nhanh chóng lan ra nhiều thị trường chứng khoán, trung tâm tài chính lớn của châu Á, chấm dứt chuỗi nhiều thập kỉ tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn của “những con hổ châu Á”.
Không chỉ lây lan ở khu vực châu Á, nó góp phần dẫn tới khủng hoảng tài chính ở Nga và Brasil. Một số nước không bị suy thoái, nhưng kinh tế cũng chịu ảnh hưởng xấu do việc xuất nhập khẩu bị đình trệ.
Khủng khoảng tài chính châu Á đã gây ra những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng, bao gồm mất giá tiền tệ, sụp đổ thị trường chứng khoán, giảm giá tài sản ở một số nước châu Á. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người bị rơi vào cảnh thất nghiệp trong các năm 1997-1998.
Võ Quyền