Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hơn 2 năm trước, bức tranh năng lượng ở châu Âu đã có nhiều thay đổi rõ rệt.
Moscow không còn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho “lục địa già” trong bối cảnh các nước châu Âu vật lộn tìm cách đưa sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga về mức 0.
Trong vô số các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) chưa từng trừng phạt khí đốt Nga nhưng đặt mục tiêu “đoạn tuyệt” với nguồn cung này vào năm 2027.
Hồi tháng 2, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đã chỉ rõ rằng khối này không hứng thú với việc gia hạn thỏa thuận 3 bên về trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Nhưng hiện 1/10 tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vẫn đến từ Nga. Một chuyên gia chỉ ra rằng có thể châu Âu sẽ mất ít nhất 6-8 năm nữa mới tìm ra giải pháp thay thế khí đốt Nga.
“Họ hiện đang cố gắng tìm kiếm những nguồn như vậy, chẳng hạn như Qatar, nhưng tất cả chỉ là vấn đề giá cả và điều kiện. Và điều này chắc chắn sẽ không xảy ra ngay lập tức mà sẽ mất ít nhất 6-8 năm”, cựu Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl nói với hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 16/4 khi trả lời câu hỏi về các lựa chọn thay thế khí đốt Nga của châu Âu.
Bà Kneissl, hiện đang là người đứng đầu trung tâm GORKI tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, lưu ý rằng nhìn chung, các lệnh trừng phạt chống lại Nga đóng vai trò tích cực trong sự phát triển nền kinh tế của nước này.
“Các lệnh trừng phạt buộc các công ty Nga phải tự mình giải quyết vấn đề, tìm kiếm giải pháp. Nga một lần nữa trở thành nước dẫn đầu trong các lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến xuất khẩu tài nguyên”, vị cựu Ngoại trưởng Áo và nhà phân tích về năng lượng cho biết.
Trong một diễn biến khác, hôm 16/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong bản cập nhật mới nhất của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng vượt Mỹ và các đồng minh của Washington là Pháp, Đức và Anh.
Nền kinh tế Nga, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, vẫn được thúc đẩy bởi xuất khẩu dầu ổn định và chi tiêu chính phủ cao, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới cho biết trong dự báo của mình.
Minh Đức (Theo TASS, 9News, EUNews)