Monaco: Từ hạng hai đã mơ Cúp Châu Âu
Chính những khoảng lặng ghê người lại là dấu hiệu cho một cơn bão sắp ập đến. Mùa xuân 2004, Roman Abramovich mua lại Chelsea và ngay tức khắc tiến hành một cuộc đầu tư rầm rộ chưa từng có. Chelsea ngay lập tức trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất châu Âu. Năm 2009, điều tương tự xảy ra với Manchester City. Ba năm sau, những vụ đầu tư bom tấn cũng làm thay đổi hoàn toàn PSG.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Cardiff vô địch Championship trong màu áo đỏ lạ lẫm
Liệu điều tương tự có xảy ra với Monaco, đội bóng đã giành quyền lên chơi ở Ligue 1 sau một thời gian vắng bóng? Công thức thành công của Abramovich và những nhà tài phiệt A-rập đang được áp dụng cho Monaco bới ông chủ người Nga Dmitry Rybolovlev, người được tạp chí Forbes xếp thứ 119 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Cho mùa bóng 2013-14, Rybolovlev sẵn sàng chi ra 100 triệu euro cho chiến dịch săn lùng cầu thủ, nhằm biến đội bóng Công quốc thành một cái tên xứng đáng với quá khứ hào hùng của nó. Monaco đang cần một chân sút "khủng", một cuộc tìm kiếm chắc chắn không dễ dàng cho giám đốc kĩ thuật người Ý Riccardo Pecini, người từng làm việc cho Sampdoria và Milan. Họ cũng cần có thêm 4 - 5 tên tuổi lớn cho các vị trí.
Điều này không hề đơn giản, bởi các cầu thủ nổi tiếng chưa chắc đã muốn đầu quân cho một đội vừa thăng hạng. Những "mục tiêu" của Monaco lúc này là khá khiêm tốn: Mamadou Sakho, kẻ thất sủng ở PSG; Nicolas Nkoulou, trung phong của Marseille; Etienne Capoue của Toulouse và Maxime Gonalons, 24 tuổi, một trong những cầu thủ hay nhất của Lyon. Một mục tiêu nữa là Jeremy Menez, cầu thủ từng là học trò của huấn luyện viên Monaco, Claudio Ranieri, khi họ cùng là người của Roma. Không ai trong số này là ngôi sao, nhưng Monaco quả thật đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều, ngay cả khi chính quyền Pháp khẳng định trong mùa giải tới, tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân với các cầu thủ ở Monaco cũng sẽ phải ngang bằng với ở Pháp.
Giờ đây, với Rybolovlev, Monaco đang mơ leo lên đỉnh cao của bóng đá Pháp như những năm trước kia, và dù họ không nói ra, nhưng ai cũng biết là mùa tới, Monaco sẽ đá hết mình để có một suất dự Cúp châu Âu, từ những đầu tư điên cuồng của nhà tài phiệt Nga.
Trong năm rồng, Cardiff theo chân Swansea
Năm hóa rồng của bóng đá xứ Wales: Swansea đoạt League Cup và mùa tới sẽ đá ở Europa League, trong khi Cardiff, đội bóng đã thống trị tuyệt đối Championship, đã chính thức lên hạng Premier League mùa tới. Lần đầu tiên trong lịch sử, vào mùa bóng tới, Premier League sẽ có sự tham dự của hai đội bóng đến từ xứ Wales.
Trong hoàn cảnh bóng đá Scotland khủng hoảng, bóng đá Bắc Ireland gần như không còn đáng kể nữa, thì sự trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng có của bóng đá xứ Wales là một điểm sáng trên bầu trời bóng đá vương quốc của nữ hoàng Elizabeth II, chỉ hai năm sau vụ tự tử bi kịch của cựu danh thủ Gary Speed, lúc đó đang là huấn luyện viên đội tuyển xứ Wales.
Cardiff là một đội bóng quốc tế, với một huấn luyện viên người Scotland (Malky Mackay, 41 tuổi), một tiền đạo đẳng cấp đã qua thời đỉnh cao (Craig Bellamy), hai cầu thủ người Iceland (Aron Gunnarsson và Heidar Helguson), một người Slovakia (Filip Kiss), một người Slovenia (Etien Velikonja), một người Hàn Quốc (Kim Bo Kyung) và một người Benin (Rudy Gestede).
Nhưng chất ngoại được nhắc đến nhiều nhất ở Cardiff không phải là các cầu thủ, mà là ông chủ của đội, Vincent Tan, nhà tài phiệt người Malaysia, chủ sở hữu tập đoàn Berjaya chuyên kinh doanh sòng bạc, bất động sản và resort du lịch. Sau khi mua lại Cardiff vào năm 2010, ông Tan đã tiến hành một loạt những thay đổi quan trọng cho chiến dịch thăng hạng, trong đó đáng kể nhất là thay màu trang phục truyền thống của đội từ xanh, vàng, trắng thành màu đỏ-đen, khiến các cổ động viên phản đối mạnh mẽ, vì cho rằng ông đã chà đạp lên lịch sử 104 năm của đội bóng.
Nhưng những chiến thắng liên tiếp đã khiến họ đổi ý. Mùa này, số khán giả trung bình mỗi trận của Cardiff xấp xỉ 24.000 người, cao hơn hẳn mùa trước, trên một sân vận động được xây mới và đưa vào hoạt động từ năm 2009. Tan đã đưa hình ảnh của Cardiff sang tận Malaysia và một số nơi khác trên thế giới qua truyền hình. Việc lên hạng giúp cho két sắt của câu lạc bộ có thêm ít nhất 80 triệu bảng nữa (110 triệu euro). Mọi cơ hội đang mở ra với đội bóng xứ Wales và ông chủ người châu Á của họ
Đại diện Berlin trở lại
Là thủ đô về mặt hành chính và chính trị của nước Đức không có nghĩa là thủ đô của bóng đá. Những danh hiệu hầu như chỉ chạy về phía Munich, trong khi những chiếc cúp vô địch hiếm hoi mà người Berlin được tự hào đã là vào các năm 1930 và 1931. Nhưng trong những ngày này, Hertha, đội bóng của Berlin, đang được gọi là "Bayern của hạng hai" vì họ đã thống trị bảng xếp hạng Bundesliga 2, với chức vô địch và chín điểm hơn đội về nhì Eintracht Braunschweig.
Dù có một quá khứ hào hùng và có được sự ủng hộ của người hâm mộ thủ đô, Hertha đã trải qua những năm tháng khó khăn, với khủng hoảng tài chính và thành tích thi đấu kém cỏi. Hai lần tụt hạng và một cuộc trở lại vào năm 2009 thất bại đã diễn ra trong những năm qua. Thất bại gần nhất là một kinh nghiệm đau lòng: Hertha để thua trận playoff trước đội đứng thứ ba của Bundesliga 2 là Fortuna Dusseldorf, khiến họ tụt hạng.
Sau mùa giải đó, ban lãnh đạo Hertha quyết định đưa về Jos Lukahay, huấn luyện viên đã đưa Borussia Moenchengladbach và Augsburg lên hạng Bundesliga các năm 2008 và 2011. Chấn thương của tiền đạo chủ chốt Pierre Lasogga không ảnh hưởng gì nhiều đến đội, bởi Hertha có thể trông cậy vào các chân sút Ronny (người Brazil) và Guastavo Ramos (người Colombia). Năm 2011, khi Hertha lên hạng, có 77.116 người đến xem trận quyết định của họ. Mùa này, lễ ăn mừng của Hertha chắc chắn sẽ còn đông hơn thế nhiều.
Ở vị trí nhì bảng là Eintracht Braunschweig, nhà vô địch Đức năm 1967. Đội bóng thành lập năm 1895 này cũng sẽ trở lại hạng cao nhất nước Đức lần đầu tiên kể từ năm 1985.
Theo Thể thao Văn hóa