Reuters ngày 15/11 đưa tin Na Uy ghi nhận đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 trên một đàn gia cầm gồm 7.000 con tại khu vực Rogaland, Tổ chức Sức khỏe Động vật thế giới (OIE) cho biết.
Vương quốc Anh đã ban bố một Khu vực Phòng chống Cúm Gia cầm trên toàn quốc vào ngày 3/11, yêu cầu nông dân tăng cường các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Động thái này diễn ra sau khi Anh phát hiện ra một số trường hợp cúm gia cầm ở các loài chim hoang dã tại nước này.
Chính phủ Bỉ cũng đưa ra cảnh báo cúm gia cầm và yêu cầu các trang trại không thả vật nuôi ra bên ngoài từ ngày 15/11 sau khi biến thể virus cúm gia cầm độc lực cao được phát hiện trên một con ngỗng hoang gần thành phố Antwerp. Nước láng giềng Pháp đã có động thái tương tự vào đầu tháng này. Trước đó, Hà Lan vào tháng 10 cũng ra cảnh báo cho các trại chăn nuôi gia cầm.
Ở châu Á, OIE ngày 15/11 dẫn lại báo cáo của nhà chức trách Hàn Quốc cho biết dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại một trang trại nuôi khoảng 770.000 con gia cầm ở tỉnh Bắc Chungcheong. Toàn bộ số gia cầm trên đã bị tiêu hủy, Reuters đưa tin.
Nhật Bản cũng đã ghi nhận đợt bùng phát cúm gia cầm đầu tiên trong mùa đông năm nay tại một trang trại ở phía đông bắc nước này, OIE xác nhận tuyên bố Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đưa ra vào tuần trước. Virus gây ra ổ dịch này được xác định là H5N8.
Việc virus cúm gia cầm độc lực cao lan truyền khiến ngành chăn nuôi gia cầm ở nhiều quốc gia phải đặt trong tình trạng báo động. Các đợt dịch cúm trước đó đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm, hoạt động buôn bán gia cầm cũng bị ảnh hưởng.
Cúm gia cầm không lây truyền qua việc tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học đang chú ý đến căn bệnh này vì virus có thể lây sang người. Trong năm nay, Trung Quốc ghi nhận 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người, nhiều hơn con số của năm 2020.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Thanh Niên)