Giá rét bất thường, sự cố điện hạt nhân, dự trữ thấp và hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga, tất cả các yếu tố đang làm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu càng thêm bết bát.
Châu Âu đang tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tuần này khi thời tiết trở nên băng giá hơn, đẩy nhu cầu năng lượng lên cao hơn trong khi nguồn cung không thể theo kịp.
Nhiệt độ được dự báo sẽ giảm xuống dưới 0 độ C ở thủ đô của một số nước châu Âu trong tuần này, gây thêm áp lực lên nguồn cung điện vốn đang trong tình trạng trì trệ với sản lượng phong điện bị hạn chế bởi tốc độ gió thấp và sự cố mất điện hạt nhân nghiêm trọng ở Pháp.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi Nga cho biết rằng, nước này có ý định hạn chế nguồn cung khí đốt tự nhiên đến Đức bắt đầu từ 20/12.
Giá năng lượng đã tăng vọt ngoài tầm kiểm soát trong năm nay, với giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 600%.
Do nhiệt độ được dự báo sẽ giảm trong một thời gian ngắn xuống dưới mức bình thường theo mùa bắt đầu từ 20/12, giá điện ngắn hạn đã tăng vọt.
Tại Pháp, giá điện giao hôm 20/12 đã tăng lên mức cao nhất kể từ mức tăng đột biến hiếm có vào năm 2009, trong khi giá điện ở Đức lên tới mức cao kỷ lục thứ ba.
"Nhiều kỷ lục về giá điện bị phá hôm 20/12. Ngoại trừ Ba Lan và Scandinavia, giá điện ở khắp châu Âu đều lên trên mức 300 Euro/MWh, riêng ở Pháp và Thụy Sĩ giá điện đã nhích tới rất gần mức 400 Euro/MWh", Javier Blas, phóng viên trưởng chuyên mảng năng lượng tại Bloomberg, cho biết trên Twitter.
Giá cả tăng cao đã thúc đẩy lạm phát, một vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách vốn đang phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Omicron ngay trước kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm.
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Jeremy Weir, CEO của Trafigura Group, hồi tháng trước đã cảnh báo rằng, châu Âu có thể gặp phải tình trạng mất điện liên tục trong bối cảnh mùa đông lạnh giá.
Lời cảnh báo được đưa ra trước khi Electricite de France SA (EDF) cho biết về việc tạm ngừng hoạt động của các lò phản ứng chịu trách nhiệm sản xuất 10% điện hạt nhân của Pháp, khiến khu vực này phải chịu trận trước tác động của điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt mà thông thường chỉ xuất hiện vào tháng 1 và tháng 2.
Việc ngừng hoạt động các lò phản ứng, bắt đầu vào trưa Chủ nhật (19/12) theo giờ địa phương, sẽ kéo dài đến ngày 23/1.
Với sự cố mất điện hạt nhân, các nhà sản xuất điện sẽ phải sử dụng nhiều khí đốt hơn. Đồng thời, Nga cho biết, nước này có thể sẽ hạn chế lượng khí đốt chảy tới Đức qua đường ống Yamal-Europe.
Điều này có thể buộc Châu Âu phải sử dụng đến lượng khí đốt dự trữ vốn đang trong tình trạng cạn kiệt. Các điểm lưu trữ khí đốt hiện chỉ được lấp đầy 60%, mức thấp kỷ lục cho thời điểm này trong năm.
Mặc dù có niềm hy vọng được thắp lên rằng thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ được chuyển hướng sang châu Âu vì vào thời điểm này nhu cầu LNG ở châu Á đã giảm, nhưng quá trình chuyển hướng sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, các tàu chở LNG sẽ không thể kịp cập cảng châu Âu trước tháng 1/2022.
Giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu đã buộc các nhà máy luyện kim và sản xuất phân bón phải hạn chế sản lượng, có nguy cơ làm chệch hướng phục hồi kinh tế của khu vực.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Fox Business)