Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5/10, số ca nhiễm mới ở Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh.
Số ca nhập viện ở nhiều nước EU cũng như ở Anh đều tăng lên trong những tuần gần đây.
Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Gimbe, trong tuần kết thúc ngày 4/10, tại Italy, số ca nhập viện vì Covid-19 có triệu chứng đã tăng gần 32%, số ca nguy kịch cũng tăng khoảng 21% so với tuần trước đó. Trong cùng thời gian này, số ca nhập viện tại Anh cũng tăng 45% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, số liều vắc-xin được sử dụng theo tuần ở EU chỉ từ 1 - 1,4 triệu liều trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức 6 - 10 triệu liều/tuần hồi đầu năm, ngay cả khi đầu tháng trước EU đã cấp phép cho 2 loại vắc-xin tăng cường ngừa Covid-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5.
Một chuyên gia về dược phẩm của Anh phân tích, nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng giảm có thể là do người dân hiểu nhầm về việc đã tiêm liều cơ bản và sau đó mắc Covid-19 là miễn dịch nên không tiếp tục đi tiêm liều tăng cường.
Ngoài ra, việc giới chức phê duyệt các loại vắc-xin tăng cường mới nói trên chỉ cho những nhóm người nhất định có thể khiến người dân khó lựa chọn loại vắc-xin làm liều tăng cường.
Tuy nhiên, quan chức EU cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là nhiều người dân cho rằng đại dịch đã kết thúc, tạo ra cảm giác an toàn sai lệch.
Trong cuộc họp báo ngày 20/9, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, mặc dù tỉ lệ mắc Covid-19 và tử vong đã giảm xuống, nhưng đại dịch vẫn "đang diễn ra". EU cũng sẽ thúc đẩy một chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn khi mùa đông đang đến gần.
Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức chấm dứt đại dịch. Nhưng, đây là thời điểm tốt nhất để chấm dứt nó. Cần bước tới để nắm bắt cơ hội này".
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Tuổi Trẻ Online)