Nền kinh tế châu Âu đã vượt qua suy thoái vào đầu năm nay, cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của “lục địa già” bất chấp xung đột Nga-Ukraine, các dấu hiệu căng thẳng trong ngành ngân hàng và các đợt tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã gây bất ngờ khi tăng trưởng nhẹ bất chấp những dự đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái.
Trong quý I năm nay, mức tăng trưởng khiêm tốn của Eurozone trùng hợp với sự phục hồi ở Trung Quốc và sự suy giảm ở Mỹ. Tổng hợp lại, những điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi từ mức đáy vào cuối năm ngoái, mặc dù những cơn gió ngược từ việc chính sách tiền tệ siết chặt có thể hạn chế sự phục hồi.
Nơi tăng trưởng, nơi đình trệ
Dữ liệu do Eurostat – cơ quan thống kê của EU – công bố hôm 28/4 cho thấy, mức tăng trưởng trung bình ở 20 quốc gia thành viên Eurozone trong quý I/2023 là 0,1%.
Mặc dù toàn khối ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, có một sự khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên. Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone – đã đình trệ và thu hẹp 0,1% trong quý I năm nay, sau khi giảm 0,5% trong quý IV/2022. Sự sụt giảm cũng được nhìn thấy ở Ireland (giảm 2,7%) cũng như ở Áo (giảm 0,3%).
Bồ Đào Nha ghi nhận mức tăng trưởng hàng quý cao nhất, với 1,6%, theo sau là Italy, Tây Ban Nha và Litva với mức tăng 0,5%. Nền kinh tế Pháp tăng 0,2%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, triển vọng tăng trưởng có thể vẫn yếu nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết tâm chống lại áp lực lạm phát cơ bản mạnh mẽ bằng mức lãi suất cao hơn.
“Mức tăng rất nhỏ của GDP trong quý I có nghĩa là Eurozone đã tránh được cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc”, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết.
“Tuy nhiên, nền kinh tế về cơ bản đã bị đình trệ do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc năng lượng, sau đó là thắt chặt tiền tệ. Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động của nền kinh tế sẽ vẫn yếu trong các quý tới”.
Mức tăng trưởng nhỏ vào đầu năm 2023 theo sau sự co hẹp trong quý IV/2022 và làm giảm mức tăng sản lượng hàng năm của Eurozone từ 1,8% xuống còn 1,3%.
Mặc dù nền kinh tế Eurozone đã đi ngang trong 6 tháng qua, nhưng thành công của khu vực này trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái nghiêm trọng đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên. Thời điểm này năm ngoái, họ đã dự đoán một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Giải thích về điều này, ông Carsten Brzeski, người đứng đầu toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ngân hàng ING, cho biết: “Thời tiết mùa đông ấm hơn, giá năng lượng bán buôn thấp hơn, Trung Quốc mở cửa trở lại và kích thích tài khóa là những động lực chính đằng sau hiệu suất tốt hơn mong đợi này”.
Nguy cơ suy thoái vẫn rình rập
“Nền kinh tế Eurozone đã phục hồi khi đối mặt với việc tăng giá năng lượng và tăng lãi suất trong vài tháng qua, và trong khi tăng trưởng đang chậm lại, điều này vẫn đúng trong quý đầu tiên của năm”, ông Neil Birrell, Giám đốc Đầu tư của Premier Miton Investors, cho biết.
Sự phục hồi của châu Âu một phần được thúc đẩy bởi sự phục hồi sản lượng tại các nhà máy thâm dụng năng lượng. Trước đó, khi giá năng lượng đạt mức cao kỷ lục, họ đã phải cắt giảm sản lượng để “sống sót” qua giai đoạn khó khăn.
Một trong những công ty này là Salzgitter AG, một nhà sản xuất thép của Đức. Công ty hiện đang kiểm soát tốt chi phí năng lượng và cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng của mình.
“Thật tốt khi giá năng lượng đã giảm đáng kể sau mức đỉnh mà chúng ta từng chứng kiến vào năm 2022”, ông Gunnar Groebler, Giám đốc Điều hành Salzgitter, cho biết. “Chúng tôi đã điều chỉnh triển vọng của mình trong năm nay so với tháng 11 năm ngoái, thời điểm ảm đạm hơn nhiều”.
Tuy nhiên, khả năng ECB siết chặt chính sách hơn sau cuộc họp vào ngày 4/5 tới là khá chắc chắn.
“Không có gì trong tập dữ liệu này cho thấy nền kinh tế đang đình trệ hoặc lạm phát đã bị đánh bại. Trên thực tế, dữ liệu lạm phát ở cấp quốc gia cho thấy điều ngược lại”, vị chuyên gia của Premier Miton Investors cho biết.
Theo Eurostat, tỉ lệ lạm phát hàng năm ở Eurozone đã giảm mạnh trong tháng 3 từ 8,5% xuống 6,9%. Nhưng ECB đang lo ngại về lạm phát lõi (loại trừ các yếu tố dễ biến động như lương thực và năng lượng). Con số này đã tăng từ 5,6% lên mức cao kỷ lục mới là 5,7% vào tháng trước, dẫn đến dự báo rằng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm khi họp vào tuần tới.
Nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái, nếu không phải năm nay thì là năm sau.
“Việc quá tập trung vào các con số lạm phát trong quá khứ và bỏ qua các động lực tín dụng yếu kém cũng như căng thẳng trong một số lĩnh vực kinh doanh tài chính làm tăng nguy cơ ECB sẽ đi quá xa với việc tăng lãi suất và làm chậm nền kinh tế quá mức vào năm tới”, ông David Kohl, nhà kinh tế trưởng của Julius Baer, nhận định.
Minh Đức (Theo The Guardian, Politico.eu, WSJ)