Châu Âu muốn tăng chi tiêu quốc phòng nhưng chưa trả lời được câu hỏi tiền lấy từ đâu

Thứ 5, 19/12/2024 06:00

Liên minh châu Âu (EU) đang được yêu cầu dành 100 tỷ Euro trong ngân sách 7 năm tiếp theo của khối để chuẩn bị cho kịch bản xung đột tiềm tàng.

Các nước châu Âu đang tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng trong môi trường an ninh thay đổi, nhưng họ vẫn chưa biết tìm kiếm số tiền lớn mà họ cần cho mục đích này ở đâu, tờ nhật báo Neue Zuercher Zeitung (NZZ) của Thụy Sĩ cho biết.

Theo tờ báo, ở Liên minh châu Âu (EU) đang có những cuộc tranh luận gay gắt về cách huy động thêm nguồn tài trợ cho quốc phòng. Khoản tiền khổng lồ – 100 tỷ Euro thay vì 10 tỷ Euro hiện tại – đang nằm trong chương trình nghị sự.

Châu Âu muốn tăng chi tiêu quốc phòng nhưng chưa trả lời được câu hỏi tiền lấy từ đâu- Ảnh 1.

EU tranh luận về cách huy động thêm nguồn tài trợ cho quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh thay đổi. Ảnh: Science Business

Tờ báo Thụy Sĩ tin rằng EU có thể huy động tiền bằng cách phân phối lại ngân sách nhà nước hiện có: Cắt giảm chi tiêu xã hội, tăng cường các khoản vay, thay đổi các quy tắc tài chính hiện hành, hoặc sử dụng các quỹ hiện có.

Tuy nhiên, theo NZZ, trên thực tế, tất cả những lựa chọn này "đều có những cạm bẫy nhất định" vì chúng "khó thực hiện về mặt chính trị" hoặc "vi phạm các nguyên tắc đã được thiết lập".

Tờ báo dẫn trường hợp ở Bỉ để minh họa việc tái cấu trúc ngân sách chính phủ khó khăn như thế nào.

Ở quốc gia thành viên EU-NATO này, ông Bart De Wever, lãnh đạo đảng Liên minh Flemish Mới (NFA) cánh hữu ôn hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó, đã không thể thành lập chính phủ mới trong nhiều tháng do tranh cãi về ngân sách.

Tờ báo này cũng nhắc lại rằng chính phủ của 2 nền kinh tế lớn của châu Âu – Đức và Pháp – đã sụp đổ do các vấn đề tài chính trong tháng qua. Các nước EU đã đạt đến giới hạn nợ gộp theo tiêu chí Maastricht (đặt ra các quy tắc về lạm phát, lãi suất, tỉ giá hối đoái, nợ công).

Điều khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn là các nước châu Âu – trong chính sách mua sắm quốc phòng của họ – ưu tiên các nhà sản xuất trong nước mặc dù chi phí cao hơn do khối lượng sản xuất nhỏ, báo NZZ cho biết thêm.

Cuối cùng, như NZZ chỉ ra, các đề xuất thành lập một quỹ mới với các nghĩa vụ nợ chung do tất cả các thành viên của khối đảm nhận, lần đầu tiên được thực hiện trong đại dịch Covid-19, đã bị một số thành viên EU – bao gồm Đức và Hà Lan – bác bỏ.

Rõ ràng là khối này sẽ gặp vấn đề trong việc trả các khoản nợ được thực hiện để thành lập quỹ phục hồi kinh tế hậu đại dịch của EU. Cần lưu ý rằng các khoản nợ này sẽ được các quốc gia trong khối trả trong 30 năm bắt đầu từ năm 2028.

Vào ngày 3/10, ông Andrius Kubilius, người bắt đầu từ đầu tháng này đảm nhận vị trí Ủy viên châu Âu về Quốc phòng và Không gian, đã nói với Bloomberg rằng EU nên tăng cường năng lực quân sự trong trường hợp đối đầu với Nga, điều mà ông cho là có thể xảy ra trong 6-8 năm tới.

Ông Kubilius nói với trang Politico vào ngày 9/12 rằng ông đang yêu cầu các nước EU dành 100 tỷ Euro trong ngân sách 7 năm tiếp theo của khối để chuẩn bị cho kịch bản xung đột tiềm tàng. Con số này gấp 10 lần số tiền được phân bổ cho quốc phòng trong ngân sách 7 năm hiện tại của EU.

Minh Đức (Theo TASS)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.