Theo DW, Chính phủ sắp tới của Đức, do đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của ông Scholz đứng đầu, đã được yêu cầu phải làm rõ các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình trong một cuộc họp báo hôm 7/12.
Sau khi chính thức ký thỏa thuận liên minh ba bên, giữa SPD, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Thủ tướng Olaf Scholz và các thành viên còn lại trong Nội các của ông dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 8/12, sau một cuộc bỏ phiếu và lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Đức.
Scholz đặt châu Âu vào trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Củng cố Liên minh châu Âu (EU) trên phạm vi toàn cầu - và đảm bảo Đức là một phần của quá trình đó - là ưu tiên hàng đầu, ông cho biết.
Đối với chuyến công du đầu tiên bên ngoài nước Đức với tư cách là Thủ tướng, Scholz cho biết ông sẽ tiếp nối truyền thống được thiết lập gần đây bằng cách đến thăm Paris, Pháp, sau đó là tới Brussels để họp với các lãnh đạo EU.
Các Thủ tướng Đức Angela Merkel, Gerhard Schröder, Helmut Kohl và Helmut Schmidt đều đến thăm Pháp trước tiên ngay sau khi nhậm chức.
Hòa giải và hữu nghị Pháp-Đức sau hậu quả của 2 cuộc chiến tranh thế giới đã trở thành trụ cột cốt lõi trong chính sách đối ngoại và châu Âu của Đức.
"Chính sách đối ngoại của Đức là một chính sách liên tục", Scholz cho biết, đồng tình với chính sách của người tiền nhiệm Angela Merkel nhằm củng cố khối 27 thành viên.
Ông nhấn mạnh lập trường ủng hộ EU của Chính phủ Đức, cho biết rằng Berlin sẽ hành động "vì lợi ích chung của châu Âu".
Scholz cũng cam kết Đức sẽ hỗ trợ Ba Lan liên quan đến cuộc khủng hoảng ở biên giới với Belarus.
Sau EU, ưu tiên chính sách đối ngoại thứ hai của Chính phủ Đức mới sẽ là tăng cường quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương với NATO.
Có khả năng sau khi chính thức nhậm chức, Scholz sẽ có một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Scholz nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Đức và Mỹ, nhưng cho biết rằng Berlin vẫn chưa quyết định sẽ đối phó với "các tình huống cụ thể" như thế nào, chẳng hạn như vấn đề Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022.
Ông cho biết, Đức sẽ "cân nhắc kỹ lưỡng" và đưa ra quyết định của mình trong bối cảnh quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một cách tiếp cận hợp tác với Trung Quốc.
Minh Đức (Theo DW, Politico, AP)