Trang Oil Price hôm 17/5 dẫn báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (CSD) tiết lộ Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu sản phẩm dầu trị giá 3 tỷ Euro từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chủ yếu xử lý dầu Nga nhưng không có trung tâm lọc dầu.
Hoạt động thương mại này nghĩa là các lệnh trừng phạt của G7 và EU đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga vẫn bị “né” một cách hiệu quả.
Kể từ khi lệnh cấm mà G7 và EU áp đặt lên sản phẩm dầu Nga vận chuyển đường biển có hiệu lực vào ngày 5/2 năm ngoái cho đến cuối tháng 2 năm nay, EU đã nhập 5,16 triệu tấn sản phẩm dầu trị giá 3,1 tỷ Euro từ 3 cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cảng, bao gồm Ceyhan, Marmara Ereğlisi và Mersin, vốn thiếu khả năng lọc dầu, đã nhập khẩu 86% sản phẩm dầu từ Nga trong giai đoạn này, biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm tái xuất khẩu quan trọng.
Nhập khẩu dầu Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gần gấp 5 lần trong thập kỷ qua. Đến năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước mua sản phẩm dầu mỏ lớn nhất của Nga trên toàn cầu, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.
Mức độ phụ thuộc đã tăng từ 52% vào năm 2022 lên 72% vào năm 2023, cho thấy sự lệ thuộc ngày càng sâu sắc vào các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel, gasoil và nhiên liệu máy bay phản lực.
Các cuộc điều tra của CREA và CSD cho thấy các thực thể châu Âu có thể đã nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga được pha trộn hoặc tái xuất từ các kho lưu trữ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một ví dụ được trích dẫn là kho cảng dầu Toros Ceyhan, nơi đã nhận 26.923 tấn gasoil từ cảng Novorossiysk của Nga trên Biển Đen vào tháng 5 năm ngoái và sau đó vận chuyển một khối lượng tương tự đến nhà máy lọc dầu MOH Corinth của Hy Lạp.
Hình thức thương mại này khai thác những lỗ hổng pháp lý, cho phép các sản phẩm dầu pha trộn của Nga tràn vào EU.
Việc chuyển hướng dầu của Nga qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là hình thức “lách” các lệnh trừng phạt do chính EU và các đối tác G7 tự đặt ra, mà còn tạo ra nguồn thu thuế đáng kể cho Moscow, ước tính khoảng 5,4 tỷ Euro, góp phần làm đầy “hòm chiến tranh” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Để giải quyết vấn đề này, CREA và CSD khuyến nghị EU thắt chặt luật pháp, thực thi các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt và điều tra các lô hàng để ngăn chặn việc trốn tránh các lệnh trừng phạt tiếp diễn.
Ví dụ, trong trường hợp vi phạm, CREA và CSD cho rằng các đối tượng phải bị xử phạt và chấp hành các hình thức cấm và nộp các khoản tiền phạt.
Các cơ quan thực thi phải có quyền lên tàu, kiểm tra các tài liệu chứng nhận cho thấy bằng chứng về nguồn gốc của dầu và thử nghiệm hóa học để xác định xem hàng hóa có chứa dầu có nguồn gốc từ Nga hay không.
Các tàu chở dầu khai man về nguồn gốc nhiên liệu sẽ bị coi là buôn lậu với mọi hậu quả pháp lý liên quan. Điều này bao gồm việc bắt giữ các tàu trên biển và tịch thu chúng.
Minh Đức (Theo Oil Price, CREA)