Công cuộc tìm kiếm một chính sách của Liên minh châu Âu (EU) về nhập cư và tị nạn dựa trên sự đoàn kết sẽ tiếp tục trong năm mới.
Trên thực tế, ở EU đang có 2 lập trường đối lập không thể dung hòa về vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là liệu EU sẽ tiếp nhận nhiều người hơn hay tăng rào cản hạn chế?
Xung đột Nga-Ukraine bùng phát đầu năm ngoái đã gây ra một làn sóng tị nạn lớn hướng về phương Tây.
Tính đến đầu tháng 12/2022, khoảng 4,8 triệu người đã được Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc ghi nhận là những người tìm kiếm sự bảo vệ tạm thời, chủ yếu ở các nước nằm ở phía Đông, gồm Ba Lan, 3 nước Baltic, Romania, Slovakia và nước Đức ở Tây Âu. Tùy thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột, năm 2023 có thể chứng kiến số lượng người tị nạn còn lớn hơn.
Cuộc khủng hoảng lớn nhất
Bà Ylva Johansson, Ủy viên Nội vụ EU, cho biết tại Brussels vào giữa tháng 12/2022 rằng khối này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời cho biết thêm rằng châu Âu sẽ cùng nhau tiếp tục hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, một số quốc gia EU đã phàn nàn về việc bị quá tải. Chẳng hạn ở Đức, chính quyền liên bang và địa phương viện dẫn những khó khăn về chỗ ở.
Bà Johansson phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì đoàn kết giữa các quốc gia thành viên trong năm 2023. Đó là bởi vì cho đến nay, những người tị nạn chạy trốn giao tranh đến các nước thành viên EU không được phân bổ theo bất kỳ công thức nào. Thay vào đó, họ đang di chuyển tự do trong EU với tư cách đối tượng được bảo vệ đặc biệt mà không cần làm thủ tục xin tị nạn.
Trong năm qua, làn sóng người tị nạn Ukraine cũng đã chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các hoạt động di cư đang gia tăng ở sườn Đông Nam của “lục địa già”.
Số người xin tị nạn đến từ Syria, Afghanistan, Pakistan và Ai Cập, cùng với những người vượt biên trái phép vào châu Âu, đã tăng mạnh trong năm 2022. Cơ quan của EU về quản lý biên giới Frontex đã ghi nhận khoảng 280.000 lượt nhập cảnh bất thường vào tháng 10/2022 – nhiều hơn 77% so với năm 2021, và là con số cao nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn vào năm 2015-2016.
Xung đột Nga-Ukraine cũng có thể có tác động lớn ở những nơi cách xa hàng nghìn km như châu Phi, với việc gián đoạn nguồn cung lương thực có thể làm tăng thêm những thách thức hiện có, chẳng hạn như thay đổi thời tiết và thiếu nước do biến đổi khí hậu, cũng như tác động của đại dịch Covid-19. Điều này có thể tạo thêm động lực thúc đẩy số lượng người di cư bất thường - vốn đã trên đà tăng - mạo hiểm tới châu Âu.
Nhiệm vụ khó khăn
Trong bản “Phân tích Rủi ro” cho những năm tới cho đến năm 2032, Frontex dự đoán áp lực di cư sẽ tiếp tục gia tăng.
“Trong thập kỷ tới, việc quản lý biên giới của EU sẽ chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của các cuộc khủng hoảng di cư/tị nạn, điều sẽ kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát biên giới. Sự tương tác phức tạp của địa chính trị, xung đột an ninh và các xu hướng lớn khác sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của thế giới, bao gồm cả các quốc gia gần châu Âu”, báo cáo của Frontex cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ của các nước thành viên EU đã xem xét những cảnh báo này một cách nghiêm túc, và tại cuộc họp cuối cùng của năm 2022 tại Brussels đã hứa sẽ một lần nữa tăng cường nỗ lực hơn nữa vào năm 2023.
Trong nửa đầu năm nay, Thụy Điển – nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU – dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách chính sách tị nạn và quản lý biên giới, những chủ đề mà các Bộ trưởng EU đã không thể thống nhất trong nhiều năm.
Nhưng khả năng cao là xung đột cơ bản giữa các quốc gia muốn hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của người di cư và những quốc gia vẫn sẵn sàng chấp nhận người di cư khó có thể được giải quyết vào năm 2023.
Ông Gerald Knaus, một nhà nghiên cứu về di cư, cho rằng EU cần làm việc nhiều hơn với các quốc gia nơi người di cư xuất phát để vào châu Âu, như Pakistan, Afghanistan, Ai Cập, Syria và các nước khác, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất thường và từ đó giảm bớt áp lực đè nặng lên các nước châu Âu.
Đây “sẽ vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với EU vào năm 2023”, ông Knaus nhận định.
Minh Đức (Theo DW, Frontex)