Lằn ranh giữa sự sống cái chết nhanh cứ như một cái chớp mắt. Do thiếu chỗ nghỉ trưa, chị bất đắc dĩ phải đưa đứa con gái 4 tuổi xuống móng cầu Hương Cần để ngủ. Thật không may, khi trong cơn ngủ say, cháu bất ngờ trở mình và bị rơi xuống dòng sông Bồ, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi, để lại nỗi đau tê buốt cho những đấng sinh thành.
6 nhân khẩu cựa mình trên mạn thuyền 3m2
Sự việc đau lòng trên xảy ra đối với gia đình vợ chồng anh Trần Văn Thiệp (50 tuổi) và chị Trương Thị Hạnh (42 tuổi), trú tại thôn Giáp Trung, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế).
Trao đổi với Người đưa tin, anh Trần Văn Thiệp nước mắt dàn dụa cho biết: “Trước đó, vào khoảng 13h30’ ngày 3/9/2013, trong khi cả nhà đang nghỉ trưa trên chiếc ghe nhỏ, thì vợ tôi (chị Hạnh – PV) phải âm thầm đưa đứa con 4 tuổi là cháu Trần Thị M. (con gái út) lên móng cầu Hương Cần thuộc địa bàn xã Hương Toàn để tìm chỗ ngủ.
Thời tiết hôm đó khá nóng bức, do nắng. 6 nhân khẩu chen chúc nhau trên một cái thuyền 3m2, không có một chỗ trống để đặt lưng. Sau khi dỗ con ngủ xong, vợ tôi tranh thủ chợp mắt một lát thì dậy vì cháu tiểu tiện ước hết cả áo quần. Lúc vợ tôi vào ghe lấy áo quần để thay cho con, khi quay ra thì phát hiện cháu đã bị rơi xuống nước. Vợ tôi hô hoán lên, khiến tôi giật mình tỉnh giấc”.
Đám tang của cháu Trần Thị M. được dựng lên bên một mô đất sát mép sông.
Nghe tiếng kêu cứu của vợ chồng anh Thiệp, xóm làng sống gần đó đều ùa ra bờ sông, để chung tay cùng gia đình tìm kiếm thi thể của cháu. Đến chiều tối cùng ngày, mọi nỗ lực tìm kiếm vẫn vô vọng, vì nước quá sâu và chảy xiết.
Sau một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm, đến sáng ngày 4/9, thi thể cháu bé mới nổi lên mặt nước, cách vị trí rơi gần 3km, về phía hạ nguồn con sông Bồ. “Đau đớn quá anh chị ơi, chỉ trong tích tắc chưa đầy 2 phút mà con tôi đã từ bỏ bố mẹ nó ra đi, khi tuổi đời còn quá nhỏ. Cứ nghĩ đến tiếng cười của con mà tôi đau không thấu được”, anh Thiệp lau những dòng nước mắt cứ trào ra từ đôi mắt đã đỏ hoe.
Có mặt tại đám tang của cháu Trần Thị M., chúng tôi chứng kiến cảnh ảm đạm thê lương. Chiếc quan tài đựng thi thể cháu bé vắn số được đặt trên một mô đất ven sông Bồ của khu tái định cư vạn đò xã Hương Toàn, nơi mà cả gia đình họ hàng anh Thiệp đang sinh sống. Cách đó không xa, chiếc đò nhỏ chưa đầy 3m2 của gia đình anh Thiệp, chị Hạnh neo đậu, kiếm sống qua ngày.
Trong không khí ảm đạm, nỗi tang tóc bao phủ, chiếc đò ngang chòng chành, hiu hắt, ảm đạm đến thê lương. Người đến viếng không khỏi chạnh lòng, xót xa. Không thương cảm sao được khi mà ngay cái chỗ ngủ cũng không được an toàn, thì lấy đâu ra một chỗ đưa tiễn linh hồn xấu số cho tử tế. Càng nghĩ, càng lạnh lòng người sống. Chiếc quan tài của cháu bé đặt sát mép sông, sóng nước cứ dập dềnh gần đó, sao cứ trôi nổi, nhói buốt vào lòng người chứng kiến. Gia đình đã tiến hành mai táng cho nạn nhân vào sáng 7/9 theo phong tục tập quán của xứ Huế.
Xảy ra chuyện đau lòng vì chậm được... lên bờ?
Trò chuyện với PV, ông Trần Văn Đạt (60 tuổi, anh trai đầu của anh Thiệp) cho biết, trước đây thôn Giáp Trung có rất nhiều hộ dân vạn đò sinh sống trên sông nước, thuộc khu vực gần cầu Hương Cần. Để đảm bảo an toàn tính mạng và cuộc sống ổn định cho dân vạn đò như chúng tôi đây, thì cách đây hơn 20 năm, thực hiện theo chủ trương tái định cư vạn đò, chính quyền xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, nay là thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế), đã phân bổ cư dân chúng tôi lên định cư tại khu đất ven sông gần cầu Hương Cần để sinh sống. Tuy nhiên, đối với gia đình Thiệp, vì lúc đó chưa có vợ và ở chung với gia đình bố mẹ nên chưa được thuộc diện cấp đất.
Sau khi được cấp đất vài năm, anh Thiệp lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nhưng do gia đình quá đông, anh em sống trong một ngôi nhà nên chỉ vợ chồng anh Thiệp phải quay lại sống trên sông nước. Chiếc đò – nơi chui ra chui vào của gia đình anh Thiệp là “của hồi môn” bố mẹ để lại. Từ đó đến nay cũng gần 20 năm trôi qua, nhưng chưa được một lần chính quyền quan tâm để ý cấp đất cho gia đình anh Thiệp.
Vì thế, đời sống kinh tế của gia đình anh Thiệp gặp rất nhiều khó khăn, con cái không được đến trường chu toàn. Cô con gái đầu chỉ học được đến lớp 8 buộc phải nghỉ giữa chừng để xin vào làm công ty may mặc. Với đồng lương ít ỏi, nhưng cháu cũng cố gắng để phụ giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học. Thế nhưng, các cháu còn lại cũng không được đến trường theo như ý muốn vì kinh tế gia đình vẫn đang phải chạy ăn từng bữa. Vợ chồng anh Thiệp nổi tiếng chăm chỉ, làm lụng cả ngày với công việc chài lưới đánh cá trên sông. Có ngày đi bủa lưới đánh cá cả đêm, vợ chồng anh chỉ bán được 30- 40 nghìn đồng. Bản thân anh Thiệp cũng thường xuyên ốm đau triền miên. Công việc bôn ba suốt ngày đêm như vậy, thế mà cái nghèo vẫn đeo đuổi dai dẳng gia đình anh trong suốt gần 20 năm nay.
Cũng theo bà con hàng xóm tới thăm viếng cháu Trần Thị M. cho biết thêm, đã nhiều lần gia đình anh Thiệp làm đơn kiến nghị lên ban chấp hành thôn Giáp Trung và UBND xã Hương Toàn xin được cấp đất lên bờ sinh sống. Nhưng không hiểu sao đến nay, đơn thư vẫn chưa được chính quyền sở tại giải quyết. Nhiều người dân nơi đây còn cho rằng, nếu cứ để vợ chồng anh Thiệp lênh đênh trên sông nước như vậy thì sẽ không bao giờ thoát khỏi được kiếp nghèo khó. Rồi đây, tính mạng của 5 con người sống trên một mạn thuyền nhỏ ấy luôn bị ám ảnh từ sự ra đi của cháu M.. Đó là chưa nói, về mùa mưa bão, sự sống còn của họ bị đe dọa ở cấp độ rất nguy hiểm.
Con đò nhỏ với 6 phận người nay chỉ còn lại 5...
Những câu hỏi lơ lửng trên đầu 5 thân phận
Ước mong có một mảnh đất cắm dùi Ôm quan tài của đứa con xấu số, chị Trương Thị Hạnh (mẹ cháu M. - PV) cất giọng nói thều thào, yếu ớt, mắc nghẹn trong cổ họng: “Các anh chị thương vợ chồng chúng em thì xin giúp cho gia đình sớm được lên bờ định cư với. Nay đứa con gái út tội nghiệp của vợ chồng em đã chết, nhưng còn mấy đứa khác nữa, mai này không biết thế nào. Đã nhiều lần vợ chồng em làm đơn kêu cứu đến UBND xã, nhưng họ nói “không có quỹ đất và không có quyền cấp đất cho anh chị”...?. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tho - Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết: “Đối với trường hợp gia đình vợ chồng anh Thiệp, lãnh đạo đã biết cách đây mấy chục năm về trước và chính quyền cũng lo lắng cho sự an toàn của gia đình, nhất là vào mùa mưa bão. Đồng thời, cứ bắt đầu vào mùa mưa bão hàng năm, chúng tôi đến di tản đưa gia đình lên chỗ cao trú ẩn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, anh Thiệp xuống sinh sống dưới nước với chiếc ghe nhỏ nhoi như vậy là do một phần anh em trong gia đình không được hoà thuận cho lắm, những người này luôn ép vợ chồng anh Thiệp vào đường cùng”(?!)
Vị cán bộ này còn khẳng định: “Anh chị ấy chưa một lần làm đơn gửi đến UBND xã. Anh Thiệp chỉ gặp trực tiếp nói anh Thọ - cán bộ xã tạo điều kiện cho vợ chồng họ có miếng đất để ở. Do vậy xã cũng chưa kiến nghị lên UBND thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, lãnh đạo xã đã dự tính cấp đất ở cho gia đình anh Thiệp với một lô đất rộng chừng 70m2, phía sau khu quy hoạch, sau khi phân lô bán đấu giá tại khu dân cư xứ Đề Ấn. Nhưng do vướng di dời đường điện, nên cuối năm nay mới được triển khai được. Tuy nhiên, khi chính quyền xã lấy đất nông nghiệp để cấp đất ở cho anh Thiệp thì người dân không đồng tình ủng hộ”.
Thông tin hai chiều đã thể hiện rõ sự bất nhất, không biết thực hư thế nào. Để trả lời dân nói đúng hay chính quyền làm đúng, rất cần có sự vào cuộc của các ban ngành chức năng. Mùa mưa bão cũng sắp về, tính mạng của 5 con người trên chiếc ghe 3m2 ấy vẫn chưa mua được cho mình một tấm vé an toàn. Không biết nỗi đau mất người thân xảy ra ngày hôm nay có còn tái lặp trong tương lai? Câu hỏi vẫn đang treo lơ lửng trên đầu con sóng.
Hoàng Ngọc - Loan Nguyễn