Sự xuất hiện của sản phẩm âm nhạc “mì ăn liền” với ca từ nhảm nhí, phản cảm, thậm chí còn bị gắn mác “thảm họa”, liệu có khiến cho thị trường nhạc trẻ Việt đi xuống?
Khoa cho rằng, có cầu ắt mới có cung, nói đi nói lại quyền lựa chọn nghe và hưởng ứng dòng nhạc nào đều nằm trong tay của khán giả. Nên không thể trách những người làm nhạc hoàn toàn được. Rõ ràng, các bạn thích thú và muốn nghe những ca khúc như thế, thì những người làm nhạc đành phải chạy theo thôi.
Nói chung, những người làm nghệ thuật đều mong muốn được khán giả đón nhận và yêu mến, vậy nên dù thích hay không cũng phải theo thị hiếu của số đông khán giả mà làm. Có thực mới vực được đạo mà!
Thực ra, bất cứ ai làm nghệ thuật cũng đều muốn được làm những cái mình thích, được người khác đánh giá cao và ngưỡng mộ. Chẳng ai lại muốn làm ra những sản phẩm dễ dãi, hời hợt để bị chỉ trích, nếu đó không xuất phát từ chính nhu cầu của đại bộ phận người nghe nhạc.
Nếu như không thích thì bạn có thể không nghe, không để tâm và chỉ nghe những dòng nhạc mà bạn cho là hay thôi. Với lại, một nền công nghiệp âm nhạc muốn phát triển được thì nên đa sắc, đa dạng. Như vậy sẽ mang tính cạnh tranh cao hơn, còn nếu chỉ đơn thuần chạy theo một xu hướng duy nhất, thì sẽ không ổn tí nào.
Nhưng cũng có người chỉ tặc lưỡi, xu hướng nhạc hiện giờ thiên về giải trí nhiều hơn nên ngôn từ phải suồng sã, nhảm nhí mới hợp. Châu Đăng Khoa nói gì về điều này?
Xin hỏi, có thước đo cụ thể nào cho cái gọi là suồng sã hay không, hay đó chỉ đơn thuần là quan điểm cá nhân. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta là người nắm trong tay quyền chọn lựa có nghe hay không mà. Vậy nên, nếu không thích thì chúng tay hãy đừng nghe. Khoa không biện hộ hay bảo vệ ai hết.
Với tư cách là một người làm nhạc chân chính, Khoa thấy rằng mọi thứ đang phát triển theo đúng nhu cầu của xã hội mà thôi. Nếu chúng ta không thích, hãy đồng lòng không nghe, thì dần dần những ca khúc kém chất lượng như bạn nói cũng sẽ bị triệt tiêu thôi mà.
Trong khi những sản phẩm kém chất lượng, được PR rầm rộ thì được tung hô, ngược lại những sản phẩm văn minh, chất lượng lại hẩm hiu. Phải chăng, nhạc Việt bây giờ phải có chiêu trò, scandal mới thành công được?
Điều này thì Khoa đồng tình. Khoa biết, ngoài kia có rất nhiều những ca khúc hay, nhưng chẳng có cơ hội được nhiều người biết đến. Thật sự rất tiếc nuối. Nhưng biết làm sao được khi giới trẻ bây giờ đại đa số đều đang nghe nhạc bằng lỗ tai của người khác.
Các bạn thấy người khác khen hay thì sẽ thấy hay, thấy bài nào nằm trong bảng xếp hạng thì mới nghe. Điều này vô tình đã khép lại cơ hội của rất nhiều những ca khúc xứng đáng khác, nhưng không có tiềm lực hậu thuẫn phía sau.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, điều kiện quyết định ca khúc có thành công hay không, không đơn giản nằm ở chất lượng ca khúc, mà còn nhiều yếu tố khác như người ta hay nói: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Mỗi ca khúc một số phận!
Các bạn cũng thấy đó, những ca sĩ nổi tiếng nhất, chưa chắc là những ca sĩ hát hay nhất, nhưng chắc chắn họ có bản sắc riêng và là sự dung hoà của nhiều yếu tố. Với bản thân ca khúc cũng tương tự vậy.
Liệu xu hướng “ăn xổi” này có tồn tại được lâu trong làng nhạc Việt?
Cái này thì hãy để thời gian trả lời vậy. Ai dễ dãi thì sẽ tự đào hố chôn mình thôi!
Có biện pháp nào ngăn chặn tình trạng “nhạc rác” lan tràn trong thị trường nhạc Việt hiện nay không?
Thực tế, không có biện pháp nào thiết thực hơn là nâng cao nhận thức, cũng như sự văn minh trong âm nhạc của cả người nghe lẫn người làm nhạc. Một khi nhu cầu nghe nhạc "xịn" tăng cao, thì chắc chắn âm nhạc cũng sẽ phát triển hơn cho phù hợp với xu hướng thôi.
Nguyên tắc của Châu Đăng Khoa trong sáng tạo nghệ thuật?
Đó chính là làm hài lòng bản thân, hài lòng khán giả và không trả giá.
Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa!