Chây ì đóng bảo hiểm xã hội: Luật đã mới, doanh nghiệp vẫn… “nhờn”

Chây ì đóng bảo hiểm xã hội: Luật đã mới, doanh nghiệp vẫn… “nhờn”

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Chủ nhật, 25/02/2018 13:00

Tính đến ngày 31/1/2018, trên địa bàn TP.HCM có gần 750 doanh nghiệp đang nợ BHXH số tiền trên 300 triệu đồng trong thời hạn trên 6 tháng với tổng số tiền lên đến gần 960 tỷ đồng. Dù Luật BHXH mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều điều khoản được cho là khá mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn “nhờn”.

Vẫn những cái tên quen thuộc

So với những tháng cuối năm 2017, số tiền mà các doanh nghiệp nợ đọng BHXH không có nhiều thay đổi. Đến tháng 9/2017 có gần 500 doanh nghiệp nợ BHXH trên 6 tháng với trên 300 triệu đồng/đơn vị là 641 tỷ đồng. Tuy nhiên, một tháng sau, con số doanh nghiệp đã tăng lên 761 và số nợ BHXH đã gần chạm mốc 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tính đến tháng cuối cùng năm 2017, con số này cũng không “xê dịch” bao nhiêu.

Chốt sổ tháng đầu tiên của năm 2018, trong top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc. Đứng đầu “danh sách đen” là công ty Cổ phần Mai Linh miền Nam (quận 1) với số tiền nợ trên 55 tỷ đồng. Công ty TNHH Nam Phương (tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi) gây ồn ào trong thời điểm cận Tết, khi ông chủ bỏ trốn cũng đang có số nợ trên 27 tỷ đồng. Tiếp đến là công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu (quận 2) có số nợ gần 25 tỷ đồng. Đứng thứ tư vẫn là cái tên quen thuộc, công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn – SPT (quận Bình Thạnh) với số nợ trên 18 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Chây ì đóng bảo hiểm xã hội: Luật đã mới, doanh nghiệp vẫn… “nhờn”

SPT đang là cái tên nằm trong top đầu về nợ BHXH trong thời gian gần đây.

Xếp ở vị trí thứ năm là một cái tên cũng của Mai Linh, đó là công ty TNHH Chợ Lớn Taxi với số nợ trên 17 tỷ đồng. Ở vị trí thứ 6 là công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (quận 3) nợ gần 14 tỷ đồng. Một cái tên không mấy xa lạ là công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Sài Gòn Bình Minh (quận 7) cũng nợ trên 13 tỷ đồng, rồi công ty TNHH Deluxe Taxi (quận 7) có số nợ trên 11 tỷ đồng.

Xếp ở vị trí thứ 9 là công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bến Nghé (quận Tân Phú) có số nợ trên 10 tỷ đồng và đứng cuối cùng trong top 10 là công ty TNHH J-Tex Vina (quận 9) có số nợ trên 9,2 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên nằm trong top 10 nói trên, trong “danh sách đen” chốt số tháng đầu của năm 2018 có nhiều doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như công ty TNHH Keo Hwa Vina ở huyện Hóc Môn nợ gần 9 tỷ đồng. Hay công ty TNHH Dệt Kim Fenix Việt Nam ở quận Thủ Đức cũng có số nợ gần 8,7 tỷ đồng. Rồi công ty TNHH H and K Việt Nam ở quận 12, nợ gần 4,6 tỷ đồng. Công ty TNHH Dormer Technology Service Việt Nam (quận 1) có số nợ gần 4,2 tỷ đồng...

Theo ghi nhận của PV, một số cái tên trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu gì cải thiện và số nợ càng ngày càng “phình to”. Điển hình như công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật công trình giao thông 584 ở quận Tân Phú đang có số nợ lên đến gần 5,5 tỷ đồng. Rồi công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (quận 4) cũng ghi nhận số nợ gần 5,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) đã có số nợ trên 4,4 tỷ đồng. Hay công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (quận 10) nợ gần 1,5 tỷ đồng, rồi công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông (quận 1) cũng nợ gần 1,4 tỷ đồng vẫn chưa có khả năng thanh toán...

Không lẽ bó tay?

Lướt nhanh danh sách các đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 300 triệu đồng thời hạn trên 6 tháng có thể thấy nhóm Mai Linh “chiếm ưu thế vượt trội”. Hiện cả công ty “mẹ và con” của tập đoàn này có tổng sợ nợ trên 100 tỷ đồng. Mới đây, đơn vị này đã dùng kế “hoãn binh” bằng việc gửi thư cầu cứu các cơ quan chức năng để được khoanh nợ và miễn lãi phạt.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, động thái này để kéo dài việc nộp BHXH trong bối cảnh nợ nần. Cách đây chưa lâu, đơn vị này đã cho ra mắt loại hình vận chuyển moto biker để cạnh tranh với Uber và Grab nhưng Mai Linh vẫn chưa cho thấy sự vượt trội trong loại hình vận chuyển bình dân này.

Có thể nói, dù Luật BHXH mới đã đi vào cuộc sống nhưng với tình hinh nợ BHXH như hiện nay nếu không có biện pháp mạnh mẽ từ cơ quan chức năng thì rất khó có thể thu hồi. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, đóng cửa... do làm ăn thua lỗ, dẫn tới số nợ đọng BHXH ngày càng tăng lên.

Mới đây, công ty Nam Phương có giám đốc người Hàn Quốc “mất tích bí ẩn”, đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Hậu quả là hàng trăm công nhân phải ngày đêm bao vây trụ sở để canh giữ công ty này tẩu tán tài sản. Đồng thời “canh” ông chủ xuất hiện để đòi tiền lương và các khoản phụ cấp cũng như chờ câu trả lời về số nợ đọng BHXH mà doanh nghiệp này đang nợ. Nam Phương là doanh nghiệp nợ BHXH trong thời gian dài, tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để có thể thu hồi.

Tài chính - Ngân hàng - Chây ì đóng bảo hiểm xã hội: Luật đã mới, doanh nghiệp vẫn… “nhờn” (Hình 2).

Công ty Nam Phương có Giám đốc người Hàn Quốc “mất tích bí ẩn”, đến nay vẫn chưa rõ tung tích để lại số nợ BHXH trên 27 tỷ đồng.

“Luật mới đã đi vào cuộc sống và chúng ta đang chuẩn bị bước sang tháng cuối cùng của quý đầu tiên trong năm 2018, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp mạnh và quyết liệt sẽ dẫn tới tình trạng nhờn luật. Một đơn vị nợ đọng nhiều, không đóng hoặc cố tình chây ì sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp còn lại. Họ sẽ viện cớ rằng, những tập đoàn lớn, có số nợ nhiều mà chưa đóng thì mình vội gì phải đóng?”, ông Nguyễn Tấn Linh, giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ.

Hơn thế nữa, nếu tình trạng này kéo dài cũng tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. “Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cố tình chây ì hoặc chậm đóng BHXH sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm nói chung và BHXH nói riêng. Đó cũng là quyền và lợi ích của người lao động, nếu không đóng đầy đủ, họ sẽ rất thiệt thòi khi làm việc cho các doanh nghiệp này”, TS Nguyễn Văn Hồng, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM phân tích.

Nhìn nhận về thực tế trên, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Dù Luật BHXH mới đã có hiệu lực nhưng tình trạng nợ đọng BHXH nói riêng và các loại bảo hiểm khác là do nhiều doanh nghiệp khó khăn. Dù họ biết là để nợ không có lợi nhưng vẫn chưa thể nộp được, trong đó, nhiều doanh nghiệp có nợ từ các năm trước để lại nên nhiều. Trong thời gian tới, với nhiều biện pháp, thậm chí là thu thập số điện thoại của chủ doanh nghiệp để chúng tôi gửi tin trực tiếp thông báo nhắc nợ, nhằm thực hiện để sao có lợi cho doanh nghiệp và người lao động”.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2018 nêu rõ chế tài nghiêm khắc đối với việc nợ BHXH, vấn đề là cách tổ chức thực hiện. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt từ từ 3 tháng đến 1 năm. Nặng hơn, Luật còn quy định phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm, nếu phạm các tội sau: Trốn đóng BHXH 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng BHXH cho 200 người trở lên, không đóng BHXH đã thu hoặc khấu trừ của người lao động”.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.