Chiều 27/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quy định rõ nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói rằng, “cháy” đã trở thành một từ khoá không mấy khó tìm trên các trang thông tin và mạng xã hội.
“Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy. Cháy với rất nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau, nhưng điều đáng nói là trong rất nhiều trường hợp, khi cháy không biết chạy đi đâu và chạy cũng không chạy được bởi bao quanh là khung sắt hay còn gọi chuồng cọp”, ông Mai nói.
Ông Mai tiếp tục nhấn mạnh: “Cháy mà không chạy được thì đồng nghĩa với việc sẽ chết. Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi với nhiều cấp độ khác nhau”.
Trước thực tiễn trên, vị đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17) - đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là đối với loại hình nhà ở trong thành phố như ngõ hẻm, chung cư mà thời gian vừa qua xảy ra các vụ cháy nổ rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Mai nhìn nhận, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.
Tại khoản 2 Điều 36 về Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ quy định: “Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định của Luật này được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản 4 “Giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dụng tại khoản 2 Điều này”.
Đồng thời, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có quy định thống nhất đối với Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Điều 40, Điều 41 của dự thảo Luật với các quy định về lực lượng, thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành.
Về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, tại khoản 3 Điều 42 quy định: “Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu”.
Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “khi có yêu cầu” vì tại khoản 11, 12, 13 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nên đương nhiên có trách nhiệm tham gia tại địa bàn phụ trách.
So với nhiều Luật khác, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, Luật Phòng cháy, chữa cháy có tính ổn định khá cao nhưng trong thực tế “cháy lại không ổn định chút nào và thậm chí là bất định”. Do đó, cần quy định cần chặt chẽ hơn.
Cần một chương riêng quy định về thoát nạn
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nhận thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ông Hoà nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của Nhà nước và cơ quan chuyên trách.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì đề nghị quy định trực tiếp vào luật, hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng.
Đại biểu đưa dẫn chứng, tại Chương 7 có 9 điều thì có đến 8 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; 25 điều/63 điều giao Chính phủ và Bộ Công an quy định là tương đối nhiều.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.
Ông Cảnh cho rằng, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ.
Do đó, đại biểu kiến nghị Luật nên chia ra 5 phần chính gồm: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.