“Chảy máu chất xám” nhân lực ngành y không chỉ nằm ở mức lương

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 21/10/2022 07:00

Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, hiện tượng “chảy máu chất xám” ở cơ sở y tế công lập có nhiều nguyên nhân, cần có đánh giá tổng thể.

Chiều 20/10, bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH đoàn Thái Nguyên đã có trao đổi với Người Đưa Tin về nguyên nhân “chảy máu chất xám” cán bộ y tế ngành y tại cơ sở y tế công lập, cũng như quan điểm về đề xuất tăng lương cơ sở.

NĐT: Thời gian qua, làn sóng cán bộ nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Theo ông, vì sao cán bộ y tế lại rời bỏ công việc?

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: Đối với vấn đề cử tri và đặc biệt các cán bộ y tế rất quan tâm đó là vấn đề về lương và mức sống của cán bộ nhân viên y tế.

Trong thời điểm này, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cán bộ ngành y rời bỏ công việc, nhất là ở những nơi có mức sống cao lại càng có tỉ lệ bỏ việc nhiều hơn ở vùng nông thôn. Lý do là mức sống không đủ.

Thêm vào đó, ngoài lương thì cán bộ y tế còn mong muốn được cống hiến và một số vấn đề khác nữa. Tuy nhiên, còn cần phải "mổ xẻ" thêm.

Tiêu điểm - “Chảy máu chất xám” nhân lực ngành y không chỉ nằm ở mức lương 

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH đoàn Thái Nguyên chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 20/10 (Ảnh: Hoàng Bích).

NĐT: Cụ thể, vấn đề này ở thực tế đơn vị ông thì mong muốn cống hiến của cán bộ y tế được thể hiện như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: Ngoài lương, chế độ đãi ngộ, môi trường công tác thì cán bộ y tế họ cần môi trường cống hiến và môi trường phát triển, điều kiện được học tập... Đôi khi người ta bỏ việc không phải vì lương mà vì môi trường làm việc.

Ví dụ, như một số bệnh viện thiếu nguồn lực nên theo yêu cầu của Luật, Bảo hiểm không cho phép thiếu nguồn lực như thế và để đáp ứng được số giường bệnh, để đạt được yêu cầu đó thì lãnh đạo không cho cán bộ y tế đi học. Cho nên, hiện các lớp đào tạo liên tục, đào tạo tại chỗ rất nhiều, đương nhiên đào tạo tại chỗ thì hiệu quả sẽ không cao. Khi cán bộ y tế không được đi học thì họ sẽ có cảm giác không được phát triển, bởi đặc thù ngành y là phải liên tục được học tập, trau dồi…

18 tháng có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc

Trong tham luận về chủ đề Phục hồi thị trường lao động y tế: Thực trạng và giải pháp gửi đến Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, ngày 18/9 Bộ Y tế đã nêu về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư.

Theo Bộ Y tế, báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).

NĐT: Có ý kiến cho rằng cán bộ y tế chuyển từ môi trường công lập sang tư nhân thì họ vẫn cống hiến cho ngành y, vẫn khám chữa bệnh, quan điểm của ông như thế nào về điều này?

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: Không thể nói như vậy, mọi người nói đây không phải “chảy máu chất xám” nhưng thực tế đây là điều chúng ta đều phải suy nghĩ. Bởi, mục tiêu của các bệnh viện công lập là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cống hiến về sức khỏe cho nhân. Còn đối với các bệnh viện tư lập thì ngoài việc cống hiến thì mục tiêu của họ là lợi nhuận.

Tiêu điểm - “Chảy máu chất xám” nhân lực ngành y không chỉ nằm ở mức lương  (Hình 2).

Việc tăng lương cơ sở cho cán bộ y tế ngành y là cần thiết (Ảnh: Hữu Thắng).

NĐT: Để tránh “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập, theo ông cần phải có giải pháp như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: Hiện nay, ở các đơn vị y tế công lập không phải đơn vị nào cũng chảy máu chất xám, ở bệnh viện tôi không có chuyện chảy máu chất xám. Tôi cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở mức lương cơ bản nữa mà ở môi trường cống hiến, môi trường làm việc và người lãnh đạo phải có cơ chế tốt để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế.

Mỗi một bệnh viện có hiện tượng “chảy máu chất xám” tôi cho rằng có nguyên nhân riêng, chứ không phải chung nhau một nguyên nhân. Vì thế, cần phải có đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng về nguyên nhân, không nên đánh đồng tất cả các đơn vị.

NĐT: Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%). Ông có ý kiến như thế nào về chủ trương tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức trong thời điểm hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: Lần này, chúng ta bàn về vấn đề tăng lương cơ sở cho cán bộ, đặc biệt cán bộ ngành y tế là hết sức cần thiết. Tôi cho rằng, điều này rất kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

NĐT: Xin cảm ơn ông!

Tăng lương có ý nghĩa rất quan trọng

Tiêu điểm - “Chảy máu chất xám” nhân lực ngành y không chỉ nằm ở mức lương  (Hình 3).

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trao đổi với báo chí trên hành lang Quốc hội chiều 20/10 (Ảnh:   Hoàng Bích).

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin trên hành lang Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nhấn mạnh vấn đề tăng lương cơ sở được cử tri và cả nước quan tâm.

Ông Hoàng Anh Công chia sẻ: “Thời gian qua lượng cán bộ làm công ăn lương, viên chức nhất là trong ngành y tế bỏ việc, chuyển việc ra bên ngoài rất nhiều. Một trong những lý do là do áp lực công việc cũng như mức lương chưa đáp ứng được. Việc tăng lương có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố thêm lòng tin của người lao động, bù đắp được sức lao động của người lao động làm sao trang trải được cuộc sống, tiếp nối theo chương trình cải cách tiền lương mà chúng ta sẽ phải thực hiện". 

Với mức lương tối thiểu Chính phủ sẽ đề xuất sẽ tăng khoảng 20% từ 1.400.000 đồng lên 1.800.000 đồng, ông Hoàng Anh Công cho rằng mức tăng tỉ lệ chưa được cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hiện nay thì tăng như vậy cũng là một sự cố gắng.

“Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ tăng theo lộ trình để đảm bảo cho đến một mức độ nào đó mức lương cơ bản sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động nói chung, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp Nhà nước”, ông Hoàng Anh Công nói.

Hoàng Bích - Thu Huyền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.