Đó là thông tin được các chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo Nghiên cứu khả thi về việc Việt Nam tham gia sáng kiến Minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) do Bộ Công thương tổ chức.
Theo tài liệu tại hội thảo do TS Jerymy Weate từ Công ty tư vấn quốc tế Adam Smith Việt Nam công bố, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí khoáng sản khá đa dạng và phong phú với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Trong đó, đóng góp của ngành khai khoáng chiếm khoảng 10% - 11% GDP trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản trong năm 2009 đạt khoảng 8,5 tỉ đô la, trong đó từ dầu thô đạt 6,2 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng khá lớn trong thu ngân sách nhà nước (khoảng 25%).
Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy tình trạng khai thác và kê khai “bí hiểm” về sản lượng khai thác khoáng sản tại những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nạn buôn lậu đã và đang khiến Chính phủ bị thất thoát nguồn thu rất lớn.
Cũng tại một hội thảo liên quan đến vấn đề này do VCCI (Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức, ông Võ Tuấn Nhân – phó chủ nhiệm UBKHCNMT Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế và yếu kém trong quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đó là sự thiếu minh bạch. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia trong nước cũng đã đưa ra cảnh báo nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng thì không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đã bị một nhóm đối tượng trục lợi, bỏ túi những khoản tiền khổng lồ mà không phải chịu sự kiểm tra, giám sát sát sao của các cơ quan chức năng.
Đại diện VCCI - ông Đậu Anh Tuấn đưa ra thông tin, hiện tỉ lệ than bị thất thoát trong khai thác hầm lò của Việt Nam đang ở mức 40-60%, nghĩa là mất đi đến một nửa, nguyên nhân do công nghệ khai thác lạc hậu, nhưng cũng có nguyên nhân thất thoát là do chính DN không trung thực trong kê khai và mấu chốt vẫn là cơ chế.
Theo báo cáo điều tra của Công ty tư vấn quốc tế Adam Smith, trong cơ cấu nộp thuế và phí của ngành khai khoáng hiện nay ở Việt Nam, có 30% nộp về ngân sách nhà nước là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 70% còn lại là các khoản nộp thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn thổ môi trường, thuế sử dụng đất hay thuế sử dụng mặt nước, chi phí cho xã hội và các khoản lệ phí, chi phí khác là nộp về ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thông tin về các khoản thuế và phí này rất thiếu minh bạch. Trong khi các doanh nghiệp khai khoáng phàn nàn: Không được biết những khoản tiền đó được dùng ra sao, thì chính quyền địa phương luôn cho rằng những khoản thu là không đủ, chẳng hạn để giải quyết các vấn đề môi trường.
Và cũng theo điều tra của Công ty tư vấn quốc tế Adam Smith, có tới 90% doanh nghiệp cho biết phải đưa ra khoàn “bôi trơn” mới có được thông tin quy hoạch hoặc được cấp phép, đặc biệt ở cấp địa phương. TS Jerymy Weate cho rằng EITI sẽ là một trong những công cụ hữu ích để giúp các quốc gia giàu tài nguyên trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên.
“Nếu Việt Nam không khai thác tài nguyên một cách hiệu quả sẽ rất nguy hiểm cho tương lai. Đây đã là thời điểm Việt Nam cần quyết định chính thức có tham gia EITI hay không, bởi quá trình tham vấn đã kéo dài với sự giúp sức của chính phủ Anh, Ngân hàng thế giới và các tổ chức khác...” - ông Antony Stokes - Đại sứ Anh tại Việt Nam - phát biểu.
Trao đổi với PV , Đại sứ Anh cũng thẳng thắn bày tỏ: Tham gia EITI là quá trình thách thức không hề dễ dàng của Chính phủ Việt Nam, trong đó cam kết chính trị rất quan trọng. Nếu Chính phủ quyết tâm sẽ đem lại lợi ích cho toàn dân, vì trên thực tế, theo Hiến pháp nguồn tài nguyên là sở hữu của toàn dân và họ có quyền được biết nguồn khoáng sản được sử dụng một cách công khai, minh bạch ra sao. Đại sứ Anh nhấn mạnh, quyết định tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam “điều trị” tệ nạn tham nhũng và thất thoát lớn trong ngành công nghiệp khai thác khoáng hiện nay, đồng thời nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế trở thành điểm hấp dẫn thu hút đầu tư của nước ngoài.
Tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Dương Quang cũng cho rằng minh bạch hóa ngành khai khoáng là yêu cầu quan trọng gắn kết với phát triển kinh tế bền vững. Hiện Bộ Công Thương được giao nghiên cứu việc tham gia EITI.
EITI là một sáng kiến do cựu Thủ trưởng Anh Tony Blair sáng lập có mục tiêu yêu cầu các doanh nghiệp khai khoang và các chính phủ phải công khai tất cả các nguồn thu chi trong lĩnh vực khai khoáng. Mấy năm qua, EITI được xem là vũ khí hỗ trợ kiểm soát hiệu quả tình hình tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng cũng như nguy cơ tàn phá và thất thoát tài nguyên. EITI thời sự đến mức nó trở thành một trong những nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh tám nền kinh tế mạnh nhất thế giới (G8 summit) trong năm 2013. Nhiều nước ASEAN tháy được sức mạnh của EITI đã sớm quan tâm và thậm chí gia nhập liên minh này. Tại Việt Nam, EITI được một số tổ chức xã hội dân sự đề cập từ lâu. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu EITI. Ngay sau đó, Chính phủ Anh thông qua Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) tài trợ cho VN tiến hành nghiên cứu tính khả thi thực hiện EITI ở VN. Hiện có 37 nước với 70 tập đoàn khai thác mỏ và dầu khí thế giới đã tham gia EITI vì mục tiêu cùng chống tham nhũng, gia tăng sự minh bạch |
Theo Dân trí