Trong phiên thảo luận tại hội trường về luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy hôm nay, 12/6, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu thẳng những thông tin thời sự, trong vòng 1 tuần qua, tại Hà Nội, TPHCM, Nghệ An liên tiếp xảy ra 7 vụ cháy nổ. Nguyên nhân của các vụ cháy nổ hầu hết do ý thức chấp hành Luật Phòng cháy, chữa cháy của người dân chưa cao.
Đánh giá đây là con số hết sức bức xúc, đại biểu đặt vấn đề phải xem xét lại công tác phòng cháy một cách thật căn cơ.
> Tin nóng: 80 căn nhà bị thiêu rụi
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội trường.
Tán thành phân tích này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, trong lúc Quốc hội đang xem xét sửa luật thì xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ trong thời gian gần đây, đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội. Có vẻ như cháy nổ đang thách thức Quốc hội Khoá XIII.
Theo ông Phúc, các vụ cháy nổ cũng là 1 bối cảnh thực tế để Quốc hội bổ sung xem xét ra luật sửa đổi sau 10 năm thực hiện theo quy định hiện hành. Trong bối cảnh cấp thiết như hiện nay, đại biểu đề nghị cần tập trung hoàn chỉnh luật để Quốc hội nhanh chóng thông qua ngay vì thực tế chỉ điều chỉnh 11 điều. Như dự kiến, luật còn được bàn tiếp vào kỳ họp tới và 1/7/2014 mới có hiệu lực, ông Phúc cho là quá lâu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trình bày, qua vụ cháy nổ khủng khiếp ở cây xăng trên phố Hà Nội vừa qua, có thể thấy nguy hiểm đến từ hành vi rất đơn giản như bơm xăng mà không để ý để xăng chảy tràn ra ngoài. Vì vậy, theo đại biểu, cần quy định thêm trách nhiệm của những người có mặt, hoạt động ở khu vực có nguy cơ cháy nổ cao mà có hành vi bất cẩn, để xảy ra tai nạn.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại cho rằng, cần quan tâm đến hành vi bị nghiêm cấm vì đây là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ. Chẳng hạn như bổ sung quy định, đối với hộ gia đình, cơ quan, tổ chức cá nhân cấm sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt cao.
Thực tiễn các vụ cháy nổ gần đây cho thấy, các cây xăng ở gần khu dân cư, các hộ kinh doanh có nguồn lửa thì sẽ có thảm họa cháy nổ xảy ra. Vì vậy, theo đại biểu Khánh cần bổ sung tiêu chí khoảng cách an toàn khi cho phép đăng ký kinh doanh, cấm kinh doanh đối với những người không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Cũng đi từ vụ việc thực tế gần đây là cháy cây xăng tại Hà Nội, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) gợi ý cơ quan soạn thảo cân nhắc đến nhưng “nguồn nguy cơ” đang tồn tại mà chưa thể thực hiện được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Các điểm bán xăng dầu ở các tỉnh, thành phố và khu dân cư, khu công nghiệp được ông Tiến chỉ ra bất cập mà nhiều đối tượng được xây dựng trước khi có Luật PCCC.
Lấy thêm ví dụ về các khu chung cư, nhà lắp ghép trước đây không đảm bảo các tiêu chí về PCCC, đại biểu đặt câu hỏi về hướng xử lý.
Ngoài ra, các khái niệm về khu chung cư cao tầng, siêu cao tầng gắn với quy định PCCC cũng khiến đại biểu băn khoăn. Theo quy định của Chính phủ, khu dân cư cao tầng được xác định là trên 9 tầng nhưng “siêu cao tầng” là bao nhiêu tầng và với độ cao bao nhiêu thì chưa rõ. Ở khu cao tầng, siêu cao tầng, với mật độ dân cư cao, hạ tầng cơ sở phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn như thế nào để khi có sự cố cháy xảy ra, lực lượng PCCC phải có trang thiết bị sử dụng hiệu quả, với ông Tiến, cũng là nội dung cần bàn.
Vụ cháy cây xăng ở Hà Nội được phân tích từ nhiều góc độ, lực lượng PCCC chưa ứng phó tốt cũng như phương tiện chữa cháy quá thiếu thốn.
Bàn đến vấn đề phương tiện, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị phải quy định rõ phương tiện PCCC quan trọng nhất hiện nay là xe cứu hỏa.
“Chúng ta hiện có gần 900 xe nhưng thực ra 20% là xe cũ, 20% xe ở mức độ khá, còn lại chưa có loại tốt. Phương tiện như hiện nay đúng là quá yếu kém và rất lạc hậu so với tình hình yêu cầu hiện nay” – đại biểu đề nghị phải có quy định rõ điểm, cấp nào thì có xe phòng cháy, chữa cháy ở dạng hiện đại để tham gia chữa cháy, để vừa đảm bảo nhiệm vụ, vừa nâng độ an toàn tính mạng cho những người tham gia cứu hỏa.
Đại biểu Trần Thị Dung đề xuất quy định trong luật PCCC sửa đổi lần này các cơ sở phải trang bị thiết bị tự động chữa cháy.
Quy định hiện hành chỉ dừng ở mức yêu cầu có thiết bị “tự chữa cháy”, theo bà Dung, có thể hiểu là chỉ cần trang bị bình chữa cháy hoặc vòi rồng để người sử dụng chữa cháy. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà cao tầng khi có cháy xảy ra, bà Dung lập luận, không ai có thể đứng vào khu vực cháy trong nhà để dùng bình, vòi rồng để chữa cháy vì khói độc, nhiệt độ nóng trong điều kiện chật hẹp, nguy hiểm, phải rút ra thoát nạn nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu của tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, mô hình tổ chức về cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở địa phương cũng cần được quan tâm, đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công PCCC như xe ô tô có thang chữa cháy ở nhà cao tầng, máy bay trực thăng chữa cháy và các dụng cụ chuyên dụng khác.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Theo Dân trí