Có người “hốt hoảng” khi biết chi phí môi giới lên tới 500 triệu đồng để có được một “ghế nóng” ở một ngân hàng có tiếng tăm?
Coi chừng “cò” bay !
“Ai có nhu cầu việc làm ở
ngân hàng, cứ giới thiệu cho tôi …”. Đó là lời của một người môi giới việc làm trên thị trường nhân sự ngân hàng. Ông ta khoe rằng, mọi bộ phận tổ chức của các ngân hàng đều là chổ quen biết nên người xin việc cứ yên tâm. Thậm chí “cò”này con hô giá 100 triệu đồng nếu xin một “ghế” cán bộ tín dụng trong đợt tuyển dụng sắp đến tại một chi nhánh ngân hàng. Thế nhưng, sợ các cơ quan chức năng phát hiện, “cò” đã biến mất dạng, người xin việc liên hệ nhiều lần bằng điện thoại đều không được.
“Hoang đường” hơn, trên diễn đàn thông tin của mạng facebook, một thành viên còn giới thiệu một số vị trí VIP với giá “khủng” đến 500 triệu đồng ? Tệ hại hơn nữa, nhiều gia đình vẫn còn tin tưởng, lao vào những đường dây môi giới việc làm như vậy trên internet để rồi “tiền mất, tật mang”. Gần đây, trên địa bàn các đô thị lớn, xuất hiện các trung tâm môi giới việc làm, hưởng hoa hồng cho mỗi lần giao dịch thành công. Và đây cũng là nơi có thể phát sinh những vu việc tiêu cực có liên quan đến đường dây “chạy việc ở ngân hàng ?
Mới đây, “người đẹp” Đậu Thị Thu Hà (1982) đã bị cơ quan công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) bắt vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi môi giới 2 “suất” việc làm ở ngân hàng với mức 7.000 USD/ người. Sau khi nhận tiền ứng trước 3.500 USD (50%), thị đã cao chạy xa bay. Liên lạc hoài không được, gia đình nạn nhân đã trình báo các cơ quan chức năng. Tương tự như vậy, cách đây khá lâu, công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã khởi tố, tạm giam Đào Tuấn Phong (33 tuổi, kỹ sư hóa thực phẩm) khi môi giới một “suất” việc làm con em cán bộ tại một chi nhánh ngân hàng trực thuộc một TCTD lớn trên địa bàn. Với giá 8.000 USD, tội phạm đã lừa đảo nạn nhân một quyết định bổ nhiệm giả sau khi nhận tiền “đặt cọc” 30 triệu đồng.
“Chạy” việc ở ngân hàng được ra giá công khai trên mạng với những địa chỉ, số điện thoại…lấp lững. Chính vì vậy, người dân phải cẩn thận để khỏi bị mắc lừa. Giám đốc khối nhân sự một NHTM cho biết, việc thi tuyển vào các ngân hàng không khó khăn, đòi hỏi người có trình độ, năng lực thực sự. Mỗi ngân hàng thường có những phương thức tuyển dụng riêng, tuy nhiên đa số họ đều tổ chức thi nhiều vòng khác nhau về nghiệp vụ, ngoại ngữ,…. Tại vòng cuối cùng, giám đốc, bộ phận nhân sự và trưởng bộ phận chuyên môn tham gia phỏng vấn trực tiếp. Do vậy, để có một quyết định bổ nhiệm công việc, người xin việc phải đối diện với nhiều người, thậm chí cả một Hội đồng tuyển dụng.
Điều này có nghĩa, người phụ trách công tác nhân sự không thể quyết định hoàn toàn cho đợt tuyển dụng tại một chi nhánh ngân hàng. Liên quan đến công việc này, giám đốc Khối Quản Trị Nhân Lực của một ngân hàng khuyến cáo, công tác tuyển dụng của các nhà băng được tổ chức chặt chẽ, minh bạch, công khai và bị kiểm soát lẫn nhau. Không phải một cá nhân nào có quyền quyết định hoàn toàn, nếu người xin việc phát hiện ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, họ có thể báo cáo với lãnh đạo cao nhất và các cơ quan chức năng.
Nghề ngân hàng hấp dẫn nhưng có nhiều nghiệt ngã. Chính vì vậy, việc giao một khoản tiền lớn cho “cò” là một việc làm quá mạo hiểm và đầy rủi ro. Tuy nhiên vì quá mong muốn có được một công việc trong ngân hàng nên nhiều gia đình đã quên mất mối “đe dọa” từ những kẻ lừa đảo trên thị trường nhân sự hiện nay.
Đối mặt với nguy cơ thất nghiệp
Một người công tác lâu năm ở ngân hàng tâm sự, ngành ngân hàng đang tiến tới những chuẩn mực quốc tế. Thách thức với người làm nghề này rất lớn, thậm chí rất nguy hiểm vì đầy “cạm bẫy” và rủi ro. Các sinh viên tìm việc nên nghĩ rằng, để có một vị trí trong nhà băng, họ phải có tài năng, sự phấn đấu chứ không chỉ là chuyện “bỏ ra” một khoản tiền rồi ngồi ở đó hưởng lương. Trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu bất kỳ một nhân viên nào không hoàn thành các chỉ tiêu về huy động vốn hoặc làm thất thoát tài sản trong cho vay đều bị loại khỏi “cuộc chơi”. Nói thế, để thấy rằng, ngân hàng không phải là một ngành dễ làm, dễ kiếm tiền, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp nếu các nhân viên không hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản tối thiểu trong một thời gian dài.
N.V.T một nam sinh viên đại học kinh tế (khoa tài chính – ngân hàng) vừa xin được việc làm tại một ngân hàng ở Đà Nẵng bộc bạch, sau khi hưởng được khoản lương khá do vượt khoán huy động vốn (từ gia đình, bà con, thân hữu), anh đã phải bắt đầu nhận dưới 3 triệu đồng/tháng …để cầm hơi vì không hoàn thành nhiệm vụ ? Bực quá, anh đành phải nghỉ việc do sức ép công việc cũng như những chỉ tiêu giao khoán…ở trên trời. Một nữ sinh viên xinh đẹp cùng ngành, được tiếng làm ở một ngân hàng “hoàng tráng”, ra vào có bảo vệ nhưng suốt ngày “phát tờ rơi” và thu hồi nợ xấu. Những công việc “không tên” cùng với những lời khiển trách thường xuyên đã khiến cho cô ra đi không hẹn ngày tái ngộ. Những ước mơ về một nghề nghiệp lý tưởng ngày nào đã khép lại vì sức chịu đựng của những người trẻ bao giờ cũng có hạn.
Không những sinh viên mới ra trường, những nhân viên cũ tại các NHTM trong diện yếu kém, sắp xếp, tái cơ cấu cũng đang “hoang mang” vì không biết ngày mai sẽ ra sao? Năm 2013, các NHTM buộc phải sáp nhập để lành mạnh hóa thị trường tiền tệ theo yêu cầu chung của nền kinh tế. Tình trạng lao dộng dôi dư trong ngành ngân hàng sẽ xảy ra, đặc biệt là các nhân sự cấp trung từ trưởng, phó phòng trở lên. Các nhân viên ngân hàng phải đối mặt với sự sàng lọc về năng lực, quá trình công tác và cống hiến. Những phương án sắp xếp nhân sự “3 chọn 1’, thậm chí “5 chọn 1” của một ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ “loại” ra rất nhiều lao động do không bố trí được công việc phù hợp. Và như thế, nghề ngân hàng luôn phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do quá trình “đào thải” tự nhiên của quy luật cung cầu.
Cung cầu thời sáp nhập
Hàng năm, Việt Nam có đến hàng chục ngàn sinh viên ngành ngân hàng ra trường tìm việc làm. Trong những năm vừ qua, các phụ huynh “đua” nhau cho con thi tuyển vào ngành “hot” này đã dẫn đến tình trạng dôi dư nguồn nhân lực. Theo khảo sát của Viện nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI), năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường. Trong số đó, chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Cân đối cung cầu, thị trường nhân lực sẽ có 12.000 sinh viên thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành. Dự đoán trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không được tuyển dụng sẽ lên đến 13.000 người/năm. Số lượng này có thể nhiều hơn nữa nếu tiến trình tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới. Liệu rằng, các NHTM có đủ công việc cho số sinh viên ra trường ngày càng đông như thế này?
Vấn đề đặt ra, trong tương lai, các sinh viên mới ra trường sẽ có cuộc tranh khốc liệt trên thị trường nhân lực. Ngược lại, các NHTM sẽ tha hồ lựa chọn các sinh viên thật xuất sắc để làm việc, tất nhiên sự đãi ngộ, thăng tiến sẽ kèm theo. Em V.T.H.N, một sinh viên ngành ngân hàng bộc bạch: “Khi đã quyết định thi vào ngành ngân hàng thì em đã quyết tâm học giỏi kiến thức trong trường, cũng như tìm hiểu và học thêm những kỹ năng từ thực tiễn. Em tin rằng khi ra trường mình sẽ có cơ hội tìm được một công việc tốt tại ngân hàng và đúng với chuyên ngành của mình". Để động viên, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, bên cạnh 20% sinh viên thuộc loại khá, giỏi của các trường ngân hàng được các nhà băng săn đón thì cơ hội dành cho những bạn còn lại vẫn còn lớn.
Nguồn nhân lực thừa, nguy cơ sinh viên ngành ngân hàng khó tìm việc ở ngân hàng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, từ 2 đến 5 năm sau, khi hệ thống ngân hàng đi vào ổn định, các nhà băng phát triển nhộn nhịp trở lại, thị trường lao động cho lĩnh vực này sẽ tiếp tục mở rộng. Nhận định về định hướng này, PGS.TS Trần Huy Hoàng (Trưởng khoa ngân hàng - Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết, những dự báo về việc sinh viên ngân hàng nguy cơ không tìm được việc có thể chỉ là một “nút thắt” tạm thời. Vì bản chất tái cơ cấu là giải quyết khối u trong nền kinh tế, sau khi giải phẫu xong, hệ thống ngân hàng sẽ phát triển và nhu cầu về nhân lực tiếp tục mở rộng thêm.
Cho dù thế nào đi nữa, cung lớn hơn cầu trên thị trường lao động sẽ phát sinh những hệ lụy. Để hạn chế những tiêu cực phát sinh, hướng dẫn dư luận có cái nhìn tốt hơn về tình nhân sự, các NHTM cần phải minh bạch hóa trong công tác tổ chức. Điều này có nghĩa, những đợt tuyển dụng phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi tuyển qua nhiều vòng, thành lập hội đồng tuyển dụng để mang tính công bằng, khách quan. Và như thế, tình trạng “chạy” việc ở ngân hàng sẽ bị ngăn chặn, sinh viên ra trường khẳng định được giá trị bản thân trước nhà tuyển dụng, cơ hội công việc, sự thăng tiến trong tương lai sẽ luôn được rộng mở với bất kỳ những ai có năng lực thật sự.
Theo
Cafebiz