Rời xóm nghèo xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, nơi an táng của 4 nạn nhân trong vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo khiến 8 người tử vong ngày 29/7, sáng 30/7, chúng tôi tìm tới viện Bỏng Quốc gia, nơi 2 nạn nhân trong vụ tai nạn trên đang nằm điều trị.
Tại đây, ông Quý (bố của bệnh nhân Nguyễn Văn Tiến Anh, quê xã Long Xuyên) không giấu nổi vẻ buồn bã và đầy lo lắng. Ông Quý bảo rằng, đến thời điểm này, Tiến Anh vẫn hôn mê và mọi thứ phụ thuộc vào máy móc y tế, chưa biết khi nào tỉnh lại.
Cũng theo ông Quý, Tiến Anh mới đến làm việc tại xưởng bánh của chủ xưởng Nguyễn Văn Được (SN 1992, người cùng quê với Tiến Anh) được khoảng 4 tháng.
“Không ai ngờ sự việc đau lòng lại xảy đến với gia đình. Tiến Anh và Duy Tiến (2 bệnh nhân đang điều trị bỏng - PV) là bạn học cùng lớp và hàng xóm của nhau. Việc học tạm ngừng nên hai đứa rủ nhau đi làm và học việc tại xưởng. Tiền kiếm được đồng nào Tiến Anh mang về hết cho bố mẹ, chỉ giữ lại 200 nghìn đồng mỗi tháng nạp điện thoại”, ông Quý cho biết.
Gia đình ông Quý chỉ có 2 đứa con. Khi người con đầu 20 tuổi, ông bà mới sinh thêm Tiến Anh. Giấu nước mắt vào trong, ông Quý cho hay: “Giờ chỉ còn trông chờ vào chuyên môn của các bác sĩ thôi. Cơ thể Tiến Anh băng kín gần hết, chỉ lộ mỗi khuôn mặt, vùng ngực và một phần chân”.
Cũng tại đây, gương mặt đen sạm vì nắng gió của ông Nguyễn Duy Cường (bố nạn nhân Nguyễn Duy Tiến, xã Long Xuyên) thêm thất thần vì từ lúc vụ tai nạn xảy ra tới nay, ông Cường không chợp mắt được.
Theo lời kể của ông Cường, khoảng 11h ngày 29/7, khi đang làm trên khu vực Mỹ Đình (Hà Nội), ông nhận được thông tin về vụ cháy. Vội vã bỏ công việc, ông Cường lao đến đám cháy để tìm con. Rồi ông theo con từ bệnh viện Đa khoa Đan Phượng về viện Bỏng Quốc gia.
“Lúc mới nhập viện, Tiến có tỉnh lại đôi chút rồi lại lơ mơ. Từ đêm qua đến sáng nay, tình trạng của Tiến cũng tiến triển. Tiến đã tỉnh táo hơn, có thể trao đổi ít câu chuyện, ăn được chút cháo và sữa”, ông Cường cho biết.
Từ lúc con nhập viện, hai vợ chồng ông Cường thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh. Dù được vợ thay ca trông con nhưng ông Cường bảo mình không thể chợp mắt được.
“Vẫn biết sự việc không ai mong muốn nhưng đau lòng quá vì nhiều người tử vong trong vụ hỏa hoạn. Con tôi may mắn thoát nạn nhưng diện tích bỏng khá rộng. Vết bỏng chạy từ phần tay xuống vạt vai bên tay trái, cả hai chân và hai tay. Nặng nhất là phần bụng”, ông Cường nói.
Qua trao đổi với ông Cường được biết gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn, chồng làm nghề tự do, vợ làm nông. Tiến là con trai một trong gia đình, do thi trượt vào lớp 10 năm trước nên em ở nhà đi làm và học nghề tại xưởng bánh ở Hoài Đức. Tiến mới đến làm tại đây được khoảng 4 tháng, ăn ở và làm tại xưởng, thỉnh thoảng mới về nhà.
Theo chia sẻ của ông Cường, tối qua, gia đình chủ xưởng cũng đến thăm hỏi Tiến cùng Tiến Anh.
“Kinh tế gia đình vốn eo hẹp chỉ trông chờ đồng tiền kiếm từ công việc hàng ngày, giờ hai vợ chồng nghỉ hết việc vào chăm con nên càng khó khăn. Khi nhập viện gia đình tạm ứng 5 triệu đồng viện phí, nhưng chắc chắn việc điều trị sẽ dài lâu tốn kém”, ông Cường cho biết thêm.
Nguyễn Huệ