Chế tài nào cho người "hồn nhiên" trồng, mua anh túc để nấu canh, ngâm rượu?

Chế tài nào cho người "hồn nhiên" trồng, mua anh túc để nấu canh, ngâm rượu?

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 4, 04/04/2018 14:00

Khi bị cơ quan công an phát hiện trồng nhiều cây thuốc phiện trong vườn nhà, chủ sở hữu của khu vườn nói trồng cây thuốc phiện để nấu canh ăn cho khỏi đau bụng!?

Nghĩ thuốc phiện là "thần dược"

Cây thuốc phiện hay còn gọi là cây anh túc đã bị cấm gieo trồng ở Việt Nam bởi những tác hại nặng nề cho sức khỏe người sử dụng và để lại hệ lụy nặng nề xã hội. Nhiều chiến dịch triệt phá cây thuốc phiện đã được triển khai ở các vùng sâu, xa, vùng núi hiểm trở. Tuy nhiên, mới đây, trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, lực lượng công an đã phát hiện ngay tại vườn nhà dân có trồng cây thuốc phiện.

Cụ thể, ngày 23/3, một tổ công tác của Công an huyện Ân Thi đã đột nhập, bắt quả tang và thu giữ 15 cây thuốc phiện đang được trồng tại vườn nhà ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1959, trú tại ấp Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi). Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Tự - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho biết, Công an huyện Ân Thi đã tiến hành thu giữ toàn bộ số cây thuốc phiện trên và yêu cầu ông Dũng về trụ sở công an để làm việc, đồng thời tìm hiểu nguồn gốc của số cây thuốc phiện.

“Bản thân ông Dũng là nông dân, từ trước đến nay ở địa phương sinh sống làm ăn bình thường, chưa từng có tiền án tiền sự. Tôi có tìm hiểu qua thì được biết, ông Dũng khai báo trồng cây thuốc phiện chỉ để hái lá nấu canh ăn cho đỡ đau bụng, chứ không sử dụng vào mục đích khác”, ông Tự thông tin thêm.

Nếu như ông Dũng trồng cây thuốc phiện để nấu canh ăn thì Phí Mạnh Nghĩa (29 tuổi. trú xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lại mua loại cây này để ngâm rượu. Nghĩa bị Công an tỉnh Lào Cai phát hiện điều khiển xe máy trên địa bàn xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với nhiều biểu hiện bất thường. Khi dừng xe kiểm tra, cảnh sát phát hiện Nghĩa chở theo thùng carton bên trong có 23,5kg cây thuốc phiện tươi. Qua phân loại thu được 5,2kg quả thuốc phiện tươi; 18,3kg thân, rễ và lá. Nghĩa khai nhận, do nghe công dụng thần dược của cây, quả thuốc phiện tươi nên mua về nhà ngâm rượu, khi đang vận chuyển về chỗ ở tạm trú tại xã Nậm Xây thì bị cảnh sát bắt giữ.

Chế tài nào cho người 'hồn nhiên' trồng, mua anh túc để nấu canh, ngâm rượu?

Cây hoa anh túc. (Hình minh họa)

Phạm luật vì trồng, vận chuyển “quốc cấm”

Vậy, hành vi trồng và vận chuyển cây thuốc phiện sẽ bị xử lý như thế nào? Pháp luật quy định mức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự trong 2 trường hợp trên? Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty TNHH Luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đánh giá: Hành vi trồng 15 cây thuốc phiện trong vườn nhà của ông Nguyễn Anh Dũng và vận chuyển 23,5kg cây thuốc phiện tươi của Phí Mạnh Nghĩa đều vi phạm pháp luật, khi trồng và vận chuyển loại cây “quốc cấm” có chứa chất ma túy, bị cấm gieo trồng ở nước ta.

Luật sư Nguyễn Thị Tuyến phân tích, theo quy định tại Điều 247, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, người phạm tội chỉ cần có hành vi khách quan duy nhất là “trồng” cây thuốc phiện đã thỏa mãn cấu thành tội phạm. Hành vi này nhất thiết phải là hành động và được biểu hiện nhiều dạng khác nhau như: Làm đất, gieo hạt, ươm cây, chăm bón. Một người có thể thực hiện hết các việc trong quá trình trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma túy nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một hoặc một số việc nhưng đều với mục đích trồng được cây thuốc phiện. Do vậy, dù mục đích là trồng loại cây này để nấu canh ăn cho đỡ đau bụng thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo điều luật này, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi hành vi trồng cây thuốc phiện đã được giáo dục 2 lần và được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Bên cạnh đó, số lượng cây thuốc phiện trồng phải thỏa mãn từ 500 đến dưới 3.000 cây. Nếu phạm tội có tổ chức, trồng 3.000 cây trở lên, tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tuy nhiên, trong vụ việc của ông Nguyễn Anh Dũng, số lượng cây thuốc phiện ông Dũng trồng là 15 cây. Hơn nữa, với thông tin vị Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi cung cấp, ông Dũng chưa có tiền sự, cũng như bị giáo dục, xử phạt về hành vi trồng cây thuốc phiện nên sẽ chưa bị xử lý hình sự mà chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính.

Cụ thể, khoản 3, Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy. Trường hợp ông Dũng nấu canh lá thuốc phiện ăn thường xuyên, mà xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1, Điều 21 của Nghị định này.

Về hành vi vận chuyển 23,5kg cây thuốc phiện tươi của Phí Mạnh Nghĩa, luật sư Nguyễn Thị Tuyến đánh giá đã đủ yếu tố cấu thành tội Vận chuyển trái phép chất ma túy theo Điều 250, Bộ luật Hình sự 2015. Với khối lượng 5,2kg quả thuốc phiện tươi; 18,3kg thân, rễ và lá đã vi phạm vào điểm d (lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10kg đến dưới 25kg); điểm e (quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 1kg đến dưới 10kg) của khoản 1, Điều 250.

Theo đó, người vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Tuyến nhấn mạnh, hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội, nhưng chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất như: Làm cho chính sách xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý của Nhà nước không thực hiện được hoặc làm cho tình trạng tái trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý đã được xoá bỏ. Những thiệt hại về vật chất cũng có thể xảy ra nhưng là những thiệt hại gián tiếp như gây thiệt hại đến ngân sách dành cho việc xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Do vậy, người dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật, không trồng loại cây gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và xã hội.

Việt Hương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.