Sau đó vợ chồng gia chủ vào nhà nghỉ trưa, để mặc ba thanh niên ngồi uống nước, “chém gió” trước hiên nhà. Thời gian trôi qua, hết một tuần trà, giữa Chính và Cường xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Sẵn có con dao dài trong tay, Chính chém liền hai phát vào lưng và bụng Cường khiến anh này suýt bỏ mạng nếu không được mọi người can ngăn kịp thời. Vụ án hình sự: "Cố ý gây thương tích" qua hai cấp Tòa xét xử vẫn chưa ngã ngũ, thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Lời thách đố “chết người”
Là người trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Nguyễn Cường (SN 1989, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) trong vụ án hình sự cố ý gây thương tích nói trên, luật sư (LS) Lê Minh Công- Trưởng văn phòng LS số 6 (đoàn LS TP. Hà Nội) không khỏi cám cảnh khi nghiên cứu động cơ, mục đích gây án của đối tượng Nguyễn Văn Chính (SN 1984, trú tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).
Theo lời kể của LS Lê Minh Công với PV, nội dung vụ án bắt đầu từ 12h trưa ngày 24/7/2012, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Cường và một người tên Thắng có ăn cơm trưa tại nhà vợ chồng anh Tú ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Xin nói thêm, anh Cường là người làm thuê cho gia đình anh Tú. Vì là chỗ anh em thân tình, trong bữa cơm mọi người ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Cơm nước xong xuôi, vợ anh Tú mang một quả mít ra bổ ăn để mọi người cùng tráng miệng.
Sau đó vợ chồng anh Tú đi vào trong nhà nghỉ trưa, để mặc ba thanh niên ngồi uống nước, "chém gió" ở ngoài hiên nhà mình. Trong khi ngồi uống nước, nói chuyện thao thao bất tuyệt, Chính thách đố Cường nuốt một cục thuốc phiện vào miệng. Tưởng bạn nói đùa, Cường cũng vào hùa, gật đầu đồng ý luôn. Chính nói đi lấy thuốc phiện nhưng thực tình ra chỗ vắng lấy một hòn sỏi bỏ vào túi, mang về nói dối Cường là viên thuốc phiện và yêu cầu thực hiện lời hứa. "Lúc ấy anh Cường tưởng thuốc phiện thật nên không dám nuốt vào miệng. Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng hai bên lời qua tiếng lại với nhau và xô xát xảy ra", LS Lê Minh Công kể lại.
Luật sư Lê Minh Công (Ảnh: Thành Long).
Trong lúc tức giận vì bị bạn đùa cho ăn quả lừa, Nguyễn Văn Chính đứng lên cầm con dao bổ mít dài, quay sống lưng dao chém một nhát vào lưng anh Cường. Thấy bạn bị đau, Chính bỏ dao xuống đất liền bị Cường tung chân đá một phát trúng vào mặt. Đá bạn xong, anh Cường bỏ chạy tháo thân. Bị phản đòn đau bất ngờ, Chính tức giận vớ ngay một con dao khác (loại dao quắm) đuổi theo Cường truy sát đòn thù. Anh Cường chạy được một đoạn thì vấp ngã, Chính xông đến vung dao quắm chém một nhát trúng vào mạng sườn bên trái đối thủ. Nghe thấy tiếng đánh nhau, vợ chồng anh Tú chạy ra can ngăn. Tại bản kết luận giám định của phòng Kỹ thuật công an tỉnh Tuyên Quang cho thấy anh Cường tổn hại sức khỏe 7% (thương tích gãy xương đòn trái 6%, thương tích rách da hạ sườn trái 1%).
Trong phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Yên Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Chính thừa nhận trong lúc cãi vã, xô xát đã không giữ được bình tĩnh nên dùng sống dao vụt một nhát vào lưng anh Cường và liền sau đó lấy dao quắm chém vào mạng sườn bên trái anh Cường. "Trước tòa, tôi nêu quan điểm hành vi của bị cáo Chính dùng dao quắm chém anh Cường, trong khi anh này đã ngã xuống đất, mất khả năng tự vệ là hành vi cố ý giết người. Hậu quả anh Cường không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo", LS Công nhấn mạnh.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chính 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng về tội "Cố ý gây thương tích". Bản án sơ thẩm ngay sau đó đã bị kháng cáo.
Ngày 15/7 vừa qua, TAND tỉnh Tuyên Quang xét xử vụ án nói trên theo trình tự phúc thẩm. "Tại phiên tòa này, tôi chỉ ra cơ quan điều tra dùng bản trích sao bệnh án của anh Cường chỉ có một vết thương ở sườn, không có vết gãy xương đòn vai trái, trong khi bị cáo Chính đã dùng hai con dao gây ra hai vết thương nói trên. Điều đáng nói, hai nhát dao và trích sao bệnh án ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thể hiện bệnh nhân Cường có hai vết thương ở lưng và sườn. Chính vì vậy, cơ quan điều tra chỉ trưng cầu giám định một vết thương ở sườn, dẫn đến chỉ truy tố, xét xử một vết thương là thiếu công bằng", LS Lê Minh Công nhận định. Ngoài ra, LS Công còn đưa ra một số vấn đề chưa thoả đáng tại bản án sơ thẩm như: Mức bồi thường thu nhập bình quân 120.000 đồng/ngày của bị hại Cường là chưa đúng, vì hiện tại anh Cường làm việc được trả công 150.000 đồng/ngày; chưa đủ căn cứ cho bị cáo hưởng án treo
Rất công tâm, vị đại diện VKSND tỉnh Tuyên Quang đồng ý với quan điểm của LS Công đưa ra. LS Công cho biết, kết thúc phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, giao cơ quan điều tra lại vụ án.
Ảnh minh họa.
Và vụ án mạng chỉ vì can đánh nhau
Khi PV đề nghị kể về một án giết người có tình tiết khôi hài theo kiểu tình ngay, lý gian mà ông đã trực tiếp tham gia giải quyết, LS Lê Minh Công viện dẫn ngay vụ án: Đó là vụ án mà bị cáo Trần Thế Cường phạm tội giết người xảy ra trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cách đây chưa lâu. Theo lời kể của LS Công, Trần Thế Cường là một dân anh chị có tiếng ở đất Hà thành.
Mặc dù còn trẻ tuổi (SN 1977, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng Cường đã có chuỗi thành tích bất hảo: Ngày 18/7/1996 Cường bị TAND quận Ba Đình xử 9 tháng tù về tội: "Trộm cắp tài sản"; ngày 31/3/1999, bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xử 13 năm tù về tội: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Mới ra trại được ít lâu, Cường có quan hệ tình cảm với một cô gái tên Đào Thanh. Trong một lần ngồi ăn lẩu với người yêu và một số chiến hữu thân thiết, Cường được biết Đào Mạnh- em trai của người yêu có mâu thuẫn chuyện tiền bạc với một dân anh chị tên Trịnh Xuân Điệp. Hai nhóm dân xã hội trang bị dao, kiếm, súng dàn trận tại khu vực nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng quyết một phen sống mái.
Mặc dù không có mâu thuẫn gì với băng nhóm của Điệp (thậm chí còn là chỗ anh em quen biết), Cường có mặt tại hiện trường với ý định can ngăn không cho hai bên đổ máu. Thấy phía bên em của bạn mình có người rút súng K54 ra đe dọa, Cường kéo Điệp ra chỗ khác nói chuyện. Đúng lúc đó, có tiếng súng nổ, một chiến hữu của Điệp bị dính đạn vào mạn sườn bên phải. Mặc dù người dính đạn sợ quá bỏ chạy, nhóm bạn của Cường vẫn cầm súng, dao đuổi theo truy sát nhưng bất thành. "Mặc dù nạn nhân, (anh Lê Hoàng) không chết, tỷ lệ thương tích chỉ có 4%, song Cường đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: "Giết người với tính chất côn đồ" theo điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất là tử hình", LS Công nhớ lại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội.
Căn cứ vào lời khai của bị cáo Trần Thế Cường, bị hại và các tài liệu liên quan, HĐXX cho rằng Cường đã có hành vi tham gia cùng đồng bọn đi đánh nhau với nhóm của Trịnh Xuân Điệp. Khi đến nơi, Cường hô hào thách đố đánh nhau. Đây là cơ sở để kết tội bị cáo này. Chính vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Thế Cường 12 năm tù.
Hoà giải không thành, rước họa vào thân Giọng LS Công chùng xuống: "Mục đích của bị cáo Cường là đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa hai nhóm dân xã hội, tránh một trận ẩu đả, tàn sát lẫn nhau. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện của Cường lại nhuốm màu dân anh chị nên đã không thành công, lại rước họa vào thân. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhưng ai muốn đứng ra dàn xếp các cuộc đánh nhau của dân giang hồ". |
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thiên Long