Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tại thời điểm này đã được thu hẹp quanh mức 2 triệu đồng/lượng, thậm chí giá vàng trong nước có xu hướng giảm khi giá vàng thế giới có biến động. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực khi các phiên đấu thầu vàng đã tạo được cân đối cung cầu cho thị trường.
Sau hơn 20 phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 30/6, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp về quanh mốc 2 triệu đồng/lượng thay vì 5 - 6 triệu như trước đây. So với nhu cầu vàng trong những năm trước đây (khoảng 100 tấn/năm), đến nay nhu cầu đó đã giảm nhiều, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Nhu cầu vàng trong nước phần nào đã được thỏa mãn. (Ảnh: VTC) |
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp cho thấy, nhu cầu vàng của thị trường phần nào được thỏa mãn, tạo cơ sở để NHNN giảm khối lượng vàng bán ra qua đấu thầu như hiện nay.
“NHNN đã tạo được một số thành công trong ổn định thị trường vàng thời gian qua. Việc giá vàng trong nước và thế giới sát nhau rõ ràng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá vàng ở mức 2 triệu đồng chưa đủ để đảm bảo tính ổn định, nên chúng ta nên kéo xuống ngưỡng 1 triệu. Nếu giá vàng trong tương lai biến động thì mức đó là chấp nhận được.”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong thời điểm hiện nay, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bao nhiêu là hợp lý? Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, NHNN không thể kéo chênh lệch về mức 400.000 đồng như đã tuyên bố trước đây, bởi với những biến động khó lường của giá vàng thế giới, cần phải có mức chênh lệch đủ lớn để tránh rủi ro cho NHNN.
Ông Nguyễn Nhật Quang, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng trong nước phải chịu chi phí bắt buộc như bảo hiểm, vận chuyển, gia công dập vàng và mức chi phí an toàn để kinh doanh có lãi. Vì vậy, theo tính toán tổng mức chi phí hiện nay khi quy đổi giá vàng quốc tế thành giá vàng trong nước phải dao động quanh mốc 1 triệu đồng/lượng.
“Với điều kiện hiện nay tôi nghĩ là ở mức 1 triệu đến 1,5 triệu là ở mức lý tưởng, vì quy đổi mã quốc tế ra mã Việt Nam còn phải tính toán đến các phí nhập khẩu và chi phí an toàn để kinh doanh vàng có lãi”, ông Nguyễn Nhật Quang nhận xét.
Như vậy có thể thấy, việc quản lý thị trường vàng qua Nghị định 24 đã phát huy tác dụng tích cực. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là điều NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nhờ đó, có thể bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ và kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm duy trì sự ổn định của tỷ giá.
Theo VOV.vn