Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó, có 37% thí sinh đăng ký bài tổ hợp thi Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thông kê cho thấy, tỉ lệ học sinh chọn thi các môn Khoa học xã hội cao nhất trong vòng 6 năm qua và so với năm ngoái, con số này tăng 7,7%.
Đây là kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, trước tỉ lệ này nhiều chuyên gia lo lắng về sự mất cân đối, thiếu hụt nhân lực khoa học, kỹ thuật trong bối cảnh nước ta đang tập trung phát triển, đẩy mạnh nhóm ngành này.
Cần định hướng chọn tổ hợp thi cho học sinh
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN này đặt ra câu hỏi rất lớn về việc sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường phân bổ nguồn nhân lực giữa khối Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên sẽ như thế nào?
"Việc học sinh đổ xô theo nhóm ngành Khoa học xã hội ngay cả khi các em có năng lực khối tự nhiên nếu cứ kéo dài sẽ dẫn đến lệch cung nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động cho nhóm khoa học kỹ thuật trong tương lai", ông Đặng Minh Tuấn bày tỏ.
Ngoài sự mất cân đối này, theo chuyên gia con số trên còn phản ánh về cách ra đề thi hiện nay khi dường như các bài thi Khoa học xã hội dễ có thành tích cao hơn các môn thi Khoa học tự nhiên. Trong khi thời gian ôn luyện các nhóm môn xã hội lại ngắn hơn càng khiến các thí sinh lựa chọn nhiều ở tổ hợp này.
Đồng thời, trong tương lai, ông Tuấn lo lắng sự chênh lệch này sẽ gia tăng thêm khi học sinh không được định hướng từ sớm để có lựa chọn phù hợp mà quyết định theo đám đông.
"Nếu chỉ lựa chọn tổ hợp vì mục đích tăng cơ hội trúng tuyển cho một cá nhân sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến phân bổ nguồn nhân lực trong xã hội, thiếu đi lao động chất lượng cao", ông Tuấn nhận định.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp từ đội ngũ quản lý, giáo viên giảng dạy và gia đình, xã hội.
"Nhà quản lý phải làm thế nào thúc đẩy niềm đam mê cho các bạn học sinh xây dựng lộ trình học tập và định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Chúng ta cũng cần xem lại cách dạy học tại nhà trường, giáo trình dạy học bởi Khoa học tự nhiên cần những bài toán gắn bó với hiện tượng xã hội ứng dụng trong thực tế, giúp các em có nhiều trải nghiệm và hiểu được rằng bộ môn này không có gì xa vời", ông Đặng Minh Tuấn bày tỏ.
Ngoài ra, về phía gia đình, xã hội cùng cần định hướng để học sinh nhận biết được năng lực ngành nghề của bản thân.
Chọn tổ hợp Khoa học xã hội vì dễ đạt điểm cao
Cũng nhận thấy việc lựa chọn của học sinh chủ yếu bắt nguồn từ mong muốn được điểm cao, ông Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hà Nội bày tỏ, đây là con số dễ hiểu vì với thí sinh mục tiêu của các em là chọn cách nào đơn giản thời gian ôn tập ngắn nhưng lại đạt được điểm cao thì sẽ được ưu tiên.
Trên thực tế, các môn học trong nhóm Khoa học xã hội thời gian qua vẫn chủ yếu sử dụng hình thức học thuộc để ghi nhớ kiến thức, với những học sinh chăm chỉ sẽ chỉ cần thời gian ngắn để ôn thi và làm chủ kiến thức có được thành tích tốt.
"Điều này ngược lại với các môn tự nhiên khi cần suy nghĩ tính toán, yêu cầu tư duy logic, chưa kể đến đòi hỏi người học có nắm vững và vận dụng tốt hệ thống kiến thức từ các lớp dưới", ông Vũ Khắc Ngọc cho hay.
Như vậy, với mong muốn xét tốt nghiệp, ông Ngọc cho rằng các em hoàn toàn sẽ chọn các môn xã hội để có kết quả tốt hơn.
Đặc biệt, theo chuyên gia, khi xét tuyển đại học, các môn xã hội cũng có đa dạng các tổ hợp xét tuyển, nhiều tổ hợp mới xuất hiện khiến nhóm Khoa học xã hội lại trở thành lựa chọn hàng đầu.
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2024: Phổ điểm khối xã hội tăng mạnh
Theo báo cáo phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đối với môn Ngữ văn, cả nước có 1.050.132 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 7,23 điểm, điểm trung vị là 7,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8 điểm tăng 1 điểm số với năm 2023. Ở môn này, có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm).
Đối với môn Giáo dục công dân có 583.619 thí sinh tham gia thi bài thi Giáo dục công dân, trong đó điểm trung bình là 8,16 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm; có 3.661 điểm 10 ở môn thi này.
Tuy nhiên đối với môn Toán có 1.045.643 thí sinh tham gia thi bài thi, trong đó điểm trung bình là 6,45 điểm tăng 0,2 điểm so với năm 2023. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,6 điểm. Năm nay có 14 thí sinh 0 điểm và không có thí sinh được điểm 10.
Với môn Sinh học, có 342.388 thí sinh tham gia thi bài thi, trong đó điểm trung bình là 6,28 điểm, điểm trung vị là 6.25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,5 điểm.