Gặp PV Nguoiduatin.vn, chị Hoàng Thùy Anh (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, cả nhà đang lo vì đến kỳ đóng tiền mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp Daewoo-Cleve (Văn Phú, Hà Đông).
Chị Anh cho biết, trước khi, khi được mua căn nhà ở dự án này với giá hấp dẫn, ai cũng cho rằng chị gặp may. Thế nhưng, chỉ sau đó vài tháng, suy thoái kinh tế đỉnh điểm, chính sách tín dụng bị thắt chặt, gia đình chị rất khó khăn khi phải xoay sở mỗi kỳ đóng tới vài trăm triệu đồng.
Cùng nỗi lo đó, anh Cao Vũ Sơn, biên tập viên một tờ báo, cho biết: Nhờ quen biết, anh được mua căn hộ tại một dự án đắc địa trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội). Vậy nhưng, đến nay, anh không thể lo đủ tiền để đóng theo tiến độ.
Anh Sơn đã giao bán suất mua nhà, dù chịu lỗ nhưng đến nay vẫn chưa có người mua. Anh Sơn rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", không lối thoát.
Nỗi lo của người mua cũng là khó khăn cho người bán.
Còn nhớ, ông Edward Chi, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt gần đây cho biết, một trong những mối lo lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp bất động sản là khả năng thu tiền từ khách hàng theo tiến độ xây dựng.
Tại dự án Tricon Towers (tại Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), phần lớn căn hộ đã bán cho khách hàng, nhưng việc thu tiền bán căn hộ đợt 2, đợt 3 đang gặp khó.
Hay tại dự án Mulberry Lane (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty CapitaLand Hoàng Thành (liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore) đã hoàn thành toàn bộ phần hầm - móng, nhiều tòa nhà đã gần hoàn thành xây thô, nhưng việc thu tiền từ khách hàng thì rất ì ạch.
Mới đây, Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc), chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp Daewoo-Cleve (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) còn phải cho khách hàng mua căn hộ vay tiền để đóng đợt 2 và đợt 4 với lãi suất ưu đãi 12%/năm nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Vì số tiền mà doanh nghiệp này có thể cho vay so với số tiền quá lớn của tổng dự án thì chẳng đáng là bao...
Đức Kế