Cái chết sau tiệc cưới
Ngay từ sáng sớm ngày 21/10, bị cáo Huỳnh Trọng Đại (SN 1994, ngụ tỉnh Đồng Nai, tân sinh viên một trường đại học lớn) đã được công an tỉnh Đồng Nai thức giấc chuẩn bị lên xe tù đến Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM. Bước xuống sân, khuôn mặt non nớt quay quanh để tìm ánh mắt người thân nhưng vô vọng. Ngồi chờ trong phòng lưu phạm, bị cáo lo lắng cho tương lai của mình sẽ bị định đoạt chỉ trong chưa đầy một giờ tới.
Đại được dẫn ra đứng trong vành móng ngựa. Gã nhìn xuống phía dưới, thấy bóng dáng mẹ và anh trai nên cảm thấy đỡ buồn tủi, có chút động lực hơn. Theo lời khai, Đại và chị Nguyễn Thị H. (SN 1994, ngụ tỉnh Đồng Nai) là cặp uyên ương yêu nhau đã được vài năm. Trưa 12/1/2013, Đại đi dự tiệc cưới của một người bạn xã bên. Vì muốn tình cảm thắm thiết hơn nên gã chở bạn gái đi cùng. Trong tiệc cưới, Đại cùng với một số người quen uống khá nhiều.
Bị cáo Đại được viện dẫn sau phiên tòa.
Có giọng hát khá hay nên chị H. đăng ký lên hát một bài chúc tân lang tân nương. Do bài hát khá sôi động, người con gái hòa nhịp nhún nhảy khá "bốc" khiến cả rạp đều hòa cùng không khí. Ở dưới, bàn bên cạnh có Nình Hoàng Nam và Vòng Phi C. (SN 1990, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai). Hơi men chếnh choáng, tiếng nhạc sôi động cùng với cái lắc mông, xoay người của thiếu nữ thu hút hai thanh niên. Chỉ một lúc sau, C. chạy lên sân khấu, nhảy minh họa cho bài hát của H.. Tuy nhiên, càng về sau, C. càng tiến đến gần và có nhiều hành động tỏ ra khá thân mật suồng sã.
Ngồi phía dưới, thấy cảnh tượng này, Đại bực mình nên vội chạy lên sân khấu. Tuy nhiên, Đại lại xen vào nhún nhảy giữa hai người. Do C. cứ áp sát vào H. nên Đại dùng tay xô ra. C. khá ngại nhưng vì muốn chữa thẹn nên cũng cố đứng nhảy một lát rồi xuống. Tiệc cưới tàn, C. và Nam về trước. Trên đường, C. nghĩ lại việc mình bị Đại làm bẽ mặt ngay trên sân khấu và rủ Nam quay lại đánh dằn mặt cho hả giận. Không những không can mà Nam liền gật đầu đồng ý.
Lúc này, do Đại hơi say nên chị H. cầm lái điều khiển xe máy chở. Chỉ mới ra khỏi đám cưới được vài ba mét, C. và Nam đã đến liền rượt theo. Nam ngồi phía sau, dùng tay đấm vào mặt Đại một cái rất mạnh. Dù hơi chếnh choáng nhưng Đại vẫn phát hiện và dùng tay đỡ kịp thời. Tay lái không được vững nên xe của Đại ngã xuống đường. Đại vội lấy con dao Thái Lan trong hộc xe phía trước đứng dậy. C. và Nam cũng xông vào đánh Đại bằng tay. Trong lúc tức giận, Đại vung dao, đâm một nhát vào ngực trái của C.. Đau đớn, nạn nhân bỏ chạy đến khu vực rẫy ở gần đó thì ngã qụy, trút hơi thở cuối cùng. Chiều cùng ngày, Đại và Nam đến cơ quan công an xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đầu thú.
Bà Ph. nước mắt lăn dài chạy theo con.
Mất mát lớn lao
Trước đây, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt Đại 7 năm tù giam về tội giết người. Bên cạnh đó, tòa cũng tuyên Nam 1 năm 3 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó, phía gia đình bị hại kháng cáo theo hướng tăng án đối với Đại với lý do không có trách nhiệm bồi thường.
Ngồi ở hàng ghế dành cho người bị hại, bà Lâm Q. (SN 1952) ngồi lặng im cầm di ảnh của con trai nước mắt chảy dài. Bà Q. nghèn nghẹn cho biết, đám cưới hôm đó là người quen mời mình, nhưng do bị bệnh nên nhờ con trai út đi thay. Bà không thể ngờ, cũng vì thế mà cậu con trai phải từ giã cõi trần mãi mãi. "Nhiều khi, ngẫm lại, tôi ước hôm đó, mình không ốm, tự đi ăn cưới thì bi kịch đâu xảy ra như thế này", bà Q. tâm sự.
Bà Q. có tất thảy 8 người con, nhưng bảy người đầu tiên đã dựng vợ gả chồng và sống riêng. C. là con út nên vẫn sống cùng mẹ. Bà cũng từng hy vọng con được học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên C. phải nghỉ sớm. Từ đó, hàng ngày, anh đi rẫy phụ việc cùng mẹ. C. là người hiền lành, ngoan ngoãn. Theo bà Q. sở dĩ C. lên nhảy nhót, xảy ra mâu thuẫn rồi quay lại đánh nhau là do uống quá nhiều bia, rượu. "Tôi tin chắc, nếu C. không say thì nó sẽ không quay lại", người mẹ khẳng định.
Trước đây, bà Q. vẫn tin rằng, về già, mình sẽ sống cùng cậu con út. Tất cả tài sản cũng sẽ "trút" hết cho anh C.. Ban ngày, bà buồn nhưng cũng không dám khóc vì sợ những người con còn lại buồn. Về đêm, không gian tĩnh mịch, người mẹ miên man nghĩ về đứa con xấu số mà không kìm nổi nước mắt. Bà nhớ lại ngày xưa, lúc C. còn nhỏ tập nói bi bô như thế nào, lớn lên, cười nói ra sao... Dường như, hình ảnh của C. vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người mẹ.
Bà Q. cho biết, mất con là nỗi đau rất lớn. Khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, tòa tuyên phạt phía bị hại phải bồi thường hơn 48 triệu đồng. Tuy nhiên, phía Đại vẫn không nói gì đả động đến chuyện sẽ trả. Giận, bà viết đơn kháng cáo đòi tăng án. Bà tự hứa với lòng, viết đơn thì viết thế thôi, nhưng nếu phía gia đình bị cáo đưa tiền ít nhất 20 triệu đồng sang thì sẽ rút đơn kháng cáo. Ngày ra tòa đến gần, mẹ Đại chỉ cầm sang 15 triệu đồng nên bà vẫn giữ nguyên kháng cáo.
Ngồi ở hàng ghế đối diện, bà Nguyễn Thị Ph. (SN 1959) nhìn đứa con trai đang đứng trong vành móng ngựa mà đôi mắt đỏ au. Bà cho biết, mình sinh được 5 người con, trong đó, có ba người đã lập gia đình, ra sống riêng. Đại và người em gái út vẫn sống cùng bà. Chồng mất cách đây không lâu do bị đột qụy. Nước mắt khóc chồng vẫn chưa khô thì lại khóc cho đứa con trai hành động dại dột. Bình thường, Đại là người hiền lành nhưng chẳng hiểu sao lại hành động như thế.
Nước mắt chảy xuôi
Hôm xảy ra vụ án, bà được một người bạn cho biết Đại vừa gây án. Ngay lập tức, bà gọi điện cho con, hỏi ngọn ngành sự việc. Lúc này, gã không hề hay biết C. đã qua đời nên đi hát karaoke cùng với mấy đứa bạn. Bà vội hỏi địa chỉ rồi tự mình đến nơi, trò chuyện phải trái với con trai và khuyên đi cùng đến cơ quan công an đầu thú.
Từ ngày vụ án xảy ra, bà vẫn thường sang nhà bị hại xin lỗi, thắp nhang cho C.. "Cũng là một người mẹ, tôi biết, chị Q. đau lòng như thế nào khi phải mất con. Ban đầu, tôi sang thì bị chửi mắng. Nhưng, con dại cái mang nên đành cúi đầu chịu nhục. Dần dà, tấm lòng thành cũng được phía gia đình C. chấp nhận", bà nghẹn ngào.
Khi hỏi về việc tại sao không có ý định bồi thường để phía gia đình viết đơn kháng cáo xin tăng án, bà Ph. phân bua: "Gia đình tôi khó khăn. Chồng qua đời không để lại tài sản gì có giá trị. Ba đứa con lớn chỉ mới ra riêng cũng không có tiền bạc. Tôi bán quán nước giải khát ven đường, mỗi ngày được vài chục nghìn đồng. Sau khi phiên tòa sơ thẩm, tôi cũng chắt chiu, chạy vạy, vay mượn khắp nơi được 15 triệu đồng đưa sang cho gia đình bị hại. Chị Q. yêu cầu phải đưa ít nhất 20 triệu đồng mới chịu rút đơn kháng cáo".
Người mẹ im lặng một lúc rồi tiếp tục: "Người thân cũng đã mượn, tiền nóng cũng đã vay, tôi không biết xoay xở ra sao nữa. Vì không có tiền mà để con trai đứng trong vành móng ngựa thêm một lần nữa, có nguy cơ tăng án thì cũng đau đớn lắm. Có lẽ suốt đời này, tôi sẽ hối hận về điều này mãi".
Từ ngày Đại bị bắt, bà cũng đôi lần vào thăm. Mỗi lần vào gặp, thấy con trai là bà lại khóc. Bà không dám trách tại sao lại hành động một cách thiếu suy nghĩ như thế vì sợ con nghĩ quẩn. Riêng Đại, gặp mẹ lại không ngừng xin lỗi. "Nó là đứa ít nói. Thế nhưng, có lần, nó bảo, mẹ ơi, con chỉ mới đi học cao đẳng được mấy tháng. Đời con còn dài, mẹ cố lo cho con ra ngoài sớm để con được đi học tiếp. Nó nói là nói vậy, chứ 5 triệu đồng để thêm tiền cho phía gia đình bị hại rút đơn kháng cáo cũng không có thì biết làm sao bây giờ", bà đưa ánh mắt đỏ au nhìn ra xa.
Tăng mức án Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho xã hội, tước đi mạng sống của một người, gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân. Nhận thấy yêu cầu kháng cáo của gia đình bị hại là đúng pháp luật nên tòa quyết định tăng hình phạt đối với Đại từ 7 lên 9 năm tù giam về tội giết người. |
Huy Linh