Chết oan vì can bạn
Theo cáo trạng, khoảng 12h ngày 7/5, sau nhiều ngày làm việc mệt nhọc trở về, Đặng Văn Tề, SN 1993, trú ở thôn Nghĩa Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định được những người bạn trong xóm mời đi uống cà phê do lâu ngày không gặp.
Một lúc sau, nhóm Tề được Trương Thành Minh, SN 1987, trú thôn An Giang Tây, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định mời về nhà mình nhậu và hát karaoke cùng với một số người bạn khác là Trần Văn Chiến (SN 1989), Phan Văn Tuấn (SN 1987), cùng trú thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Đỗ Thành Dự (SN1993), Nguyễn Minh Thắng (SN 1993), cùng trú thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.
Trong bàn nhậu, chỉ có nhóm Tề là những người bạn mới quen, còn lại đều đã biết nhau từ trước nên ai nấy cũng đều vui vẻ trò chuyện và làm quen với nhau.
Bà Mỹ (mẹ của nạn nhân) đau đớn thuật lại sự tình.
Đến khoảng 15h10’ cùng ngày, Tuấn và Chiến rủ nhau ra trước sân nói chuyện riêng. Theo người dân địa phương, gia đình Tuấn và gia đình Chiến đã có mâu thuẫn gay gắt với nhau suốt một thời gian dài, sẵn dịp ngồi chung bàn nhậu, khi hai bên đã thấm hơi men, nên chạm mặt nhau là bắt đầu kiếm chuyện sinh sự, cãi vã.
Được một lúc, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, sau cuộc đấu miệng lớn tiếng, không bên nào chịu nhường bên nào, cuối cùng hai bên xông vào ẩu đả, xô xát nhau quyết liệt. Thấy thế, Tề nhanh chóng chạy ra can ngăn và lôi Chiến sang một bên.
Sau khi được Tề giải hòa, Chiến leo lên xe máy phóng đi chỗ khác. Tưởng chuyện chỉ thế là xong, nào ngờ, Chiến âm thầm gọi điện cho Dự đến giúp sức, mặc dù không biết đối tượng mà Chiến chuẩn bị đánh là ai, nhưng Dự vẫn rủ thêm đồng minh là Thắng đến rồi cả 3 tức tốc tìm Tuấn để trả thù.
Khi đến nơi, thấy vẻ mặt hung tợn và đằng đằng sát khí của Chiến, Dự, Thắng, Tuấn sợ bị đánh nên bỏ chạy ra phía sau nhà trốn, không biết có chuyện xảy ra nên Tề thong thả ra ngoài nói chuyện với Chiến.
Dự và Thắng thấy Tề đứng đối diện vời Chiến, cho rằng Tề chính là người gây sự đánh nhau với Chiến trước đó nên đã lao vào tát mấy cái vào mặt Tề.
Lúc bị đánh, vì tự vệ nên Tề quay sang đánh Chiến và bị bọn chúng xông vào đấm đá tới tấp. Trong lúc giằng co, Dự dùng cây bạch đàn đánh mạnh một nhát vào đầu Tề, khiến nạn nhân ngã nhào xuống đất. Thấy vậy cả bọn ung dung bỏ đi.
Trưa không thấy con về ăn cơm, bố mẹ Tề lo lắng, đứng ngồi không yên. Mãi đến chiều, Tề mới được nhóm bạn đưa về nhà trong tình trạng choáng váng, đi đứng không vững vàng.
Bà Đặng Thị Mỹ (SN 1950, mẹ Tề) nghẹn ngào kể lại: "Sáng hôm đó, mấy đứa trong xóm sang nhà chở thằng Tề đi uống cà phê. Chờ mãi mà không thấy con về ăn cơm, tự dưng tôi cảm thấy có điều gì đó chẳng lành xảy ra nên có chạy sang nhà hàng xóm hỏi xem mấy đứa kia về chưa nhưng chưa có đứa nào về cả.
Sau đó, thấy con được bạn đưa về nhà với vẻ mệt mỏi, trên người lại có mùi rượu, cứ tưởng nó nhậu say xỉn mới như vậy, nên chúng tôi dìu con vào phòng nghỉ.
Đến tối, khi chúng tôi dọn cơm ra ăn thì nghe có tiếng động trong phòng, tôi liền chạy vào mới tá hỏa khi thấy thằng Tề đang nằm sõng soài dưới đất và lên cơn co giật mạnh nên chúng tôi vội vàng đưa con đi cấp cứu".
Khi đưa ra tới BVĐK Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định), các bác sỹ cho biết Tề bị chấn thương sọ não gây chảy máu nội soi chèn ép não, khả năng sống sót rất ít. Còn nước còn tát, nên gia đình đã xin bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Tề. Mặc dù ca mổ đã thành công, nhưng do phát hiện quá muộn, trong não vẫn còn tụ máu nên Tề đã tử vong sau 11 ngày điều trị.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Cái giá nào mới chữa lành nỗi đau
Được biết, gia đình Tề đều làm nông ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, gia cảnh khó khăn nên Tề phải nghỉ học từ rất sớm để làm lụng phụ giúp cho cha mẹ già yếu.
Hết mùa, Tề theo chân những người anh trong xóm đi kéo dây điện thoại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tranh thủ ngày nghỉ, anh mới vui vẻ cùng bạn bè, nào ngờ, lần đi chơi hôm đó lại là ngày định mệnh của cuộc đời anh.
Bước qua hơn nửa đời người, cha mẹ Tề giờ đây phải gồng gánh nỗi đau người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, ngày đêm khóc thương cho sự ra đi tức tưởi của đứa con trai tội nghiệp.
Cái chết oan uổng của cậu con trai út là nỗi đau khó có thể vượt qua đối với hai vợ chồng bà. Chiều nào bà Mỹ cũng lên mộ khóc gọi con trong đau đớn, hơn ba tháng trời, bà tiều tụy đi bội phần.
"Thằng Tề là con út trong nhà, lại sống chung với vợ chồng tôi nên chúng tôi yêu thương nó lắm! Cứ chiều xuống là bà ấy lại ra mộ thằng Tề, mấy lần khóc ngất bên di ảnh con, làm tôi phải lên đưa về.
Lúc giật mình tỉnh giấc, bà ấy lại gọi: Tề ơi, Tề ơi rồi choàng dậy chạy ra ngoài. Những lúc như vậy, người làm chồng như tôi cảm thấy đau lắm, cứ như ai đang dùng dao cứa vào tim tôi vậy chứ, song tôi mà quỵ xuống thì còn ai chăm sóc cho bà ấy, ai hương khói cho con tôi đây!", ông Đặng Văn Hóa (SN 1949, cha của Tề) thổ lộ trong nước mắt.
Ông Hóa vừa khóc vứa lấy tay kéo tấm vải đỏ trên di ảnh đứa con trai xuống bàn rồi nói: "Thằng Tề nhà bác nó đang khóc đó con, nó biết nó oan ức nên nó khóc trong ảnh đó con".
Bà Mỹ đau đớn tiếp lời: "Thà rằng nó đánh con tôi gãy chân hay gãy tay gì cũng được, dù sao thì thằng Tề cũng còn đó với chúng tôi. Đằng này, chúng nó tước đi mạng sống con tôi như vậy, lâu rồi chẳng còn ai gọi mẹ nữa, tôi dọn cơm cũng chẳng còn ai về ăn, tôi thật sự muốn chết theo con tôi mất".
"Tôi thật sự mất con thật rồi, kẻ gây ra tội thì hãy để pháp luật trừng trị, tôi có làm gì đi chăng nữa, thằng Tề vẫn không sống lại được. Oán hận chỉ làm chúng tôi thêm đau khổ, con tôi cũng không thanh thản ra đi", ông Hóa nói tiếp.
Những kẻ côn đồ gây ra cái chết thương tâm của Tề cũng đã trả giá, Chiến, Dự, Thắng đều đã nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật: Chiến và Dự mỗi bị cáo đều nhận mức án 7 năm tù giam, còn Thắng thì nhận mức án 5 năm 6 tháng với mức án thích đáng. Song cái giá nào có thể chữa lành vết thương mất con của các bậc làm cha, làm mẹ?
Thanh Trúc