Vài ngày gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin về vụ việc Robert O Young, tác giả cuốn sách "The pH Miracle – Balance Your Diet, Reclaim Your Health", hay còn gọi là “Phép màu pH – Cân bằng chế độ ăn, Cải thiện sức khỏe” đã nhận phán quyết từ tòa án Mỹ về việc bồi thường 105 triệu USD cho một người phụ nữ mắc bệnh ung thư.
Robert O Young đã tuyên truyền trên internet về cái gọi là chế độ ăn kiềm hóa sẽ giúp chữa được căn bệnh mà y học bó tay, nhà nhà tuyệt vọng.
Tin lời người đàn ông còn chưa hề qua một lớp đào tạo về y học nào, người phụ nữ 45 tuổi bị mắc ung thư vú - Dawn Kali - đã từ bỏ điều trị ung thư bằng hóa trị để thực hiện các phương pháp kiềm hóa như truyền baking soda và detox đường ruột.
“Phép màu pH” không thấy đâu, Dawn Kali chỉ thấy tiền mất, tật mang. Sau khi chi trả hàng nghìn USD, căn bệnh ung thư của người phụ nữ này nhanh chóng chuyển sang giai đoạn cuối. Mặc dù bệnh tình khiến cho Dawn Kali đau đớn, khốn đốn – cô vẫn đâm đơn kiện Robert O Young vì tội lừa đảo.
Đó là một trong những bài học cảnh tỉnh mới nhất cho cả những người bị bệnh ung thư và người nhà bệnh nhân trong việc tìm kiếm những bài thuốc, phương pháp chữa trị không có cơ sở khoa học, không chỉ ở Mỹ mà đặc biệt là ở Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, những bài chia sẻ ồ ạt trên Facebook về các “liệu pháp thần kỳ” chữa trị ung thư bằng chế độ kiềm hóa, detox, kiêng ăn thịt, đường sữa, hay chuyên tâm ăn gạo lứt…v.v đã trở thành chủ đề mà không ít người Việt Nam tin tưởng, làm theo.
Chỉ cần dẫn một hình ảnh đáng tin cậy, một phát ngôn từ một nhà khoa học kỳ cựu đến từ một viện nghiên cứu “đình đám” nào đó (mà thực sự là chưa nghe đến bao giờ), đi kèm với lập luận nghe vô cùng hợp lý – những bài đăng về các phương pháp này ngay lập tức có hàng chục ngàn lượt share.
Trong khi những người có kiến thức y khoa uyên thâm, viết các bài phân tích về chữa trị ung thư gần như chìm nghỉm trước những tin tức giả trên Facebook, chỉ vì những thông tin đó không gây sốc, cũ mèm và bị cho là “không hiệu quả” vì bệnh nhân ung thư vẫn chết!?
Với việc đánh vào sự thiếu hiểu biết của nhiều người, cùng tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, những bài viết gây hại này hầu hết đềuđược lan truyền từ các trang Facebook cần thu hút lượng like, những tài khoản bán hàng online muốn nâng cao tương tác.
Bất chấp những lời cảnh báo trên báo chí, những phát biểu từ các chuyên gia có uy tín về việc cần cảnh giác trước những liệu pháp trị ung thư vô căn cứ này, đã có rất nhiều người làm theo và gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Cần phải nhớ rằng, cho đến lúc này - các nhà khoa học, các bác sĩ - trên thế giới đều xác nhận, cách điều trị ung thư hiệu quả nhất vẫn là các phương pháp truyền thống đã được ứng dụng nhiều năm qua, bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, bức xạ, trị liệu nội tiết tố và điều trị mục tiêu.
Vậy mà, có những “nhà khoa học mạng”, “bác sĩ mạng” với mớ kiến thức trôi nổi trên Google, lại tự tin muốn lật đổ những công trình nghiên cứu y học tâm huyết hàng thập kỷ.
Hành vi truyền bá kiến thức sai lệch này không chỉ gây ra những hậu quả đối với người bệnh, đến nhận thức của mỗi người mà còn gián tiếp gây hại đến nền y khoa đất nước, cũng như công việc của các bác sĩ chuyên môn.
Có bệnh thì vái tứ phương nhưng “vái” Facebook là cái dại lớn nhất. Không chỉ về các bài viết liên quan đến chữa trị ung thư. Những vụ việc gần đây liên quan đến phương pháp sinh con thuận tự nhiên, vốn không được khuyến khích bởi các nhà khoa học cũng đã gây ra những cái chết thương tâm. Tất cả cũng chỉ vì mù quáng, u mê trước những thông tin độc hại trên mạng.
Luật An ninh mạng được thông qua vào đầu năm nay có thể được coi là giải pháp để xóa bỏ những tin tức sai sự thật trên Facebook, cũng như trong môi trường Internet.
Tuy nhiên, điều mấu chốt vẫn là ở nhận thức, cảnh giác của mỗi người trước khi tiếp nhận một luồng thông tin trái chiều nào đó. Bệnh nhân cần tỉnh táo để có chết thì hãy chết vì bệnh ung thư chứ không phải chết vì Facebook.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vu Lan