Chết vì xe cấp cứu giả

Chết vì xe cấp cứu giả

Thứ 6, 25/01/2013 14:21

Khi anh Trương Tuần (ở Hồ Bắc, Trung Quốc) được bác sĩ cho xuất viện sau ca phẫu thuật tim thành công, chị Lý Ngọc Luyến đã cẩn thận gọi xe cấp cứu để đưa chồng về nhà. Tuy nhiên, anh Trương Tuần đã tử vong ngay trên xe cấp cứu vì biến chứng sau phẫu thuật. Chị Lý Ngọc Luyến không ngờ rằng mình gọi nhầm phải “xe cấp cứu “đen”, không có thiết bị y tế cấp cứu đã gây ra cái chết đáng tiếc của người chồng.

Tử vong trên xe cấp cứu 

Anh Trương Tuần được các bác sĩ ở bệnh viện Tongji, Vũ Hán chỉ định phẫu thuật tim sau khi nhập bệnh viện này với các triệu chứng đau ngực, khó thở. Ca phẫu thuật được tiến hành thành công. Sau khi kiểm tra, thấy không có gì đáng ngại, bác sĩ đã đồng ý cho bệnh nhân Trương Tuần xuất viện. 

Để đảm bảo an toàn và yên tâm, người nhà anh Trương Tuần đã thuê xe cấp cứu ở bệnh viện để đưa anh về nhà. Không may, anh Trương Tuần đã tử vong ngay trên xe cấp cứu. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách cho biết, nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh Trương Tuần là do biến chứng sau ca phẫu thuật mà không được cấp cứu kịp thời.

Lạ & Cười - Chết vì xe cấp cứu giảNgười dân khó phân biệt xe cứu thương thật với xe cứu thương “đen”

Theo kết quả điều tra, chiếc xe cấp cứu mà gia đình anh Trương Tuần thuê là loại xe cấp cứu “đen”, không có giấy phép hoạt động y tế. Trên xe cấp cứu này không có máy điều hòa nhiệt độ, không có trang thiết bị y tế và cũng không có nhân viên y tế đi kèm. Lẽ ra, bệnh nhân phải được vận chuyển bằng loại xe cấp cứu chuyên nghiệp, có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết và nhân viên y tế đi kèm để xử lý những tình huống phát sinh khẩn cấp, tuy nhiên, bệnh nhân không được cấp cứu khi có biến chứng và kết quả dẫn tới tử vong.
Thông tin về cái chết của bệnh nhân Trương Tuần sau khi được Đài tiếng nói Trung Quốc đăng tải đã khiến người dân không khỏi bức xúc, bởi có không ít trường hợp như vậy xảy ra tại nước này, trong khi xe cấp cứu “đen” bất hợp pháp vẫn nhan nhản.

Ngang nhiên hoạt động

Số lượng xe cấp cứu bất hợp pháp ở Trung Quốc, đặc biệt là Thủ đô Bắc Kinh gia tăng liên tục trong thời gian gần đây cho dù nhà chức trách đã tăng cường chiến dịch truy quét. Hầu hết những chiếc xe này không có giấy phép hoạt động y tế, không có trang thiết bị y tế phù hợp cho xe cấp cứu, không có nhân viên y tế đã qua đào tạo. Chúng chỉ là những chiếc xe chở khách bình thường được cải tiến thêm chút ít. 

Theo Trung tâm y tế khẩn cấp 120 - cơ sở y tế được phép cung cấp xe cấp cứu ở Thủ đô Bắc Kinh, xe cấp cứu “đen” luôn tiềm tàng mối nguy hiểm nghiêm trọng cho bệnh nhân. “Chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp bệnh nhân chết trong những chiếc xe cấp cứu “đen” hoặc tử vong ngay sau đó, do thiếu các thiết bị y tế hỗ trợ và nhân viên y tế có trình độ” - ông Lý Kiến Nhân, một nhân viên của trung tâm y tế khẩn cấp 120 nói. 

Để qua mặt cơ quan chức năng cũng như người dân, xe cấp cứu tư nhân hoạt động trái phép thường được sơn giống màu với xe cấp cứu chính thức với logo của Trung tâm y tế khẩn cấp 120 hoặc trung tâm cấp cứu 999, những tổ chức được phép cung cấp các dịch vụ xe cấp cứu.

Chủ những chiếc xe cấp cứu “đen” thường thu hút khách hàng bằng cách dán tờ rơi trong nhà vệ sinh của các bệnh viện hay thậm chí còn dán xung quanh phòng bệnh, các hành lang khiến người nhà bệnh nhân lầm tưởng đó là xe cấp cứu chính thống. Chị Lý Ngọc Luyến, vợ bệnh nhân Trương Tuần nói: “Khi tôi đi tìm xe cấp cứu, nhìn thấy trên tường, cửa của phòng bệnh dán đầy tờ rơi giới thiệu dịch vụ xe cấp cứu và tôi nghĩ rằng đó là xe của bệnh viện”. 

Ở một số bệnh viện địa phương, các bác sĩ thậm chí còn giới thiệu cho bệnh nhân xe cứu thương bất hợp pháp để nhận tiền hoa hồng. Hầu hết xe cấp cứu “đen” không có đội ngũ nhân viên y tế có trình độ hay các thiết bị y tế tiệt trùng, làm cho các bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao. Một số xe cứu thương “đen” thậm chí còn được trang bị bình ôxy công nghiệp vốn bị cấm dùng trong y tế để sử dụng cho bệnh nhân. 

Rẻ hóa đắt

Tuy nhiên, không vì thế mà chi phí phải trả cho xe cấp cứu “đen” thấp hơn so với xe cấp cứu chính thống. Không ít chủ xe cấp cứu “đen” sử dụng những chiêu thức để thu hút khách hàng bằng cách đưa ra một mức giá vận chuyển rẻ, rồi sau đó tính thêm tiền phụ phí cho các thiết bị y tế được sử dụng hay chi phí cho nhân viên đi kèm. Và khách hàng chỉ biết ngậm ngùi móc túi vì đã trót sử dụng. 

Anh Hiếu Siêu, một nhân viên phụ trách vận tải đường dài của Trung tâm cấp cứu 120 cho biết, những chiếc xe cấp cứu bất hợp pháp thường thu hút khách bằng cách đưa ra mức phí chỉ bằng một nửa so với giá của xe cấp cứu chính thống. Tuy nhiên, sau đó một số bệnh nhân thậm chí phải trả thêm rất nhiều tiền cho những cái gọi là dịch vụ y tế phát sinh, bao gồm 800 nhân dân tệ (165 USD) cho bình oxy và 5.000 nhân dân tệ cho bác sĩ đi kèm”- anh Siêu nói.

Bất chấp những điều này, dịch vụ xe cứu thương ngầm vẫn có đất sống tốt vì nhu cầu về loại dịch vụ này lúc nào cũng cao. "Lý do chính của sự gia tăng tràn lan loại hình xe cấp cứu “đen” là sự thiếu hụt xe cấp cứu được cấp phép ở Thủ đô. Theo ông Lý Kiến Nhân, số lượng 140 xe cấp cứu tại Thủ đô Bắc Kinh chủ yếu được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp và chỉ có 10 chiếc được sử dụng để vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này tới các bệnh viện khác. Với khoảng 1.000 bệnh nhân được vận chuyển bằng xe cấp cứu để chuyển viện, thì 10 xe cấp cứu là không thể đáp ứng đủ. Giải pháp duy nhất để kiềm chế sự gia tăng tràn lan các xe cứu thương bất hợp pháp là tăng số lượng xe cứu thương chính thống trong các thành phố. Tuy nhiên, trong khi lượng xe cấp cứu chính thống còn hạn chế, người dân vẫn phải phó thác số mệnh mình trên những chiếc xe cấp cứu “đen”.

Nguyễn Hà (Theo ANTĐ/AFP, Healthguid)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.