Theo đó, Thủ tướng Quyết định trích 260 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 12 địa phương (Nam Định 50 tỷ đồng; Thái Bình 40 tỷ đồng; Hà Nam, Điện Biên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Sơn La mỗi tỉnh 10 tỷ đồng; Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình mỗi tỉnh 20 tỷ đồng; Hà Giang, Lào Cai mỗi tỉnh 30 tỷ đồng) thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều...
Tạm ứng 50 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 cho các tỉnh: Nam Định (20 tỷ đồng), Thái Bình (20 tỷ đồng), Hưng Yên (10 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng số vốn được ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành; báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản vùng bị thiệt hại do thiên tai theo Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời báo cáo kết quả thực chi hỗ trợ giống vùng bị thiên tai gửi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ hỗ trợ địa phương theo chế độ quy định.
Đồng thời, có kế hoạch sử dụng nguồn giống được Thủ tướng Chính phủ cấp phát cho 4 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 05/8/2016 phù hợp, bảo đảm đúng quy định và tránh trùng lặp.
Việc hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích, nhà bị sập, trôi... do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý ứng trước 3.670 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để bổ sung kế hoạch vốn đối ứng năm 2016 cho Bộ Giao thông vận tải và 9 địa phương thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. 9 địa phương gồm Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Phú Yên, Đắk Lắk,Tiền Giang, Trà Vinh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cụ thể danh mục, mức vốn cho Bộ Giao thông vận tải, 9 địa phương và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hoàn trả số vốn đã được ứng trước nêu trên theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và UBND 9 địa phương được bổ sung vốn chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả đầu tư của Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cập nhật nhu cầu bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA của Bộ Giao thông vận tải để xử lý vốn đối ứng đối với 2 dự án của Bộ Giao thông vận tải là Dự án “Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông” và Dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1”, bảo đảm hiệu quả đầu tư theo quy định.
Cũng trong chỉ đạo điều hành ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 60 tấn hóa chất Chlorine 65% min từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Cà Mau để phòng chống dịch bệnh thủy sản.
UBND tỉnh Cà Mau tiếp nhận, quản lý và báo cáo sử dụng số hóa chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
Dương Thu