Chỉ 3 điểm 1 môn đỗ sư phạm: "Nên ngừng tuyển sinh và đào tạo"

Chỉ 3 điểm 1 môn đỗ sư phạm: "Nên ngừng tuyển sinh và đào tạo"

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 6, 11/08/2017 06:30

Nhiều ý kiến của nhà giáo, chuyên gia băn khoăn khi điểm đầu vào các trường sư phạm năm nay xuống thấp. Có ý kiến cho rằng: "Một người thầy tồi có thể làm hỏng cả thế hệ tương lai của đất nước".

Không thể chấp nhận

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử, trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An nêu quan điểm: “Tôi nghĩ chỉ với 9, 10 điểm 3 môn mà vào học ngành Sư phạm thì khó chấp nhận. Nếu điểm đầu vào thấp quá thì nên ngừng việc tuyển sinh và đào tạo.

Trong xã hội ngày nay có 2 nghề đặc thù là nghề y và nghề giáo. Một nghề cứu người, một nghề dạy người. Đào tạo ra một bác sĩ kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người, còn đào tạo một thầy giáo tồi thì ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, một nghịch lý trong kỳ tuyển sinh năm nay, 2 nghề đó lại xuất hiện 2 thái cực khác nhau, ngành Sư phạm ở "đáy", còn ngành Y Dược ở "đỉnh". Trong lúc Đảng, Nhà nước cùng với bộ GD&ĐT đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thì với đội ngũ giáo viên tương lai có đầu vào thấp như thế làm sao thực hiện được theo yêu cầu đổi mới trong xu thế hội nhập".

Phân tích thêm về việc xét tuyển năm nay, thầy Hiếu nói: “Kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được các trường ĐH, CĐ lấy để xét tuyển đã bộc lộ sự bất thường, tạo ra 2 thái cực “đỉnh” và “đáy”. Ở thái cực “đỉnh” là các trường quân đội, công an, y dược, mức điểm 29, 30 vẫn chưa đỗ. Ở thái cực “đáy”, các trường sư phạm chỉ lấy 9, 10 điểm, có trường cao hơn là 15 điểm”.

Xã hội - Chỉ 3 điểm 1 môn đỗ sư phạm: 'Nên ngừng tuyển sinh và đào tạo'

Thầy Trần Trung Hiếu.

Nói thêm về vấn đề này, thầy Hiếu băn khoăn: “Xem ra, câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã đúng trong trường hợp này. Những em học khá, giỏi không chọn ngành Sư phạm, còn những em chọn ngành này thì chất lượng đầu vào rất kém. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi những trường sư phạm có đầu vào thấp như vậy chắc chắn không có giáo viên giỏi. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ mới ban hành đòi hỏi kiến thức tích hợp, liên môn của người thầy. Làm sao những học sinh có điểm đầu vào thấp đáp ứng được các điều kiện này?”.

Góp ý với bộ GD&ĐT, thầy Hiếu nêu ý kiến: "Bộ GD&DT nên dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá lại tổng thể, trung thực, khách quan kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Những mặt được và chưa được, nguyên nhân và định hướng khắc phục cho kỳ thi năm 2018.

Nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT mà rất nhiều địa phương đạt tỉ lệ 100% hoặc gần 100% thì bộ GD&DT nên bỏ kỳ thi này, dồn mọi công sức, trí tuệ, tiền bạc để tổ chức tốt và có chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ như nhiều năm trước đây.

Không thể chấp nhận với khoảng trên dưới 10 điểm cũng trúng tuyển vào các trường đào tạo ra người thầy; để sau 3-4 năm trở thành giáo viên với xuất phát điểm tệ hại.

Bộ GD&DT cần phối hợp với các địa phương rà soát lại hệ thống trường ĐH, CĐ sư phạm về số lượng, chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên ngành sư phạm thì phải "tái cấu trúc", thậm chí không cấp phép tuyển sinh. Cần công khai, minh bạch công tác sát hạch, thi công chức, tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp sư phạm ở trường phổ thông". 

Một giáo viên khác tại Thái Nguyên cho rằng: “Nguyên nhân là những người làm lãnh đạo ít lắng nghe tiếng nói từ giáo viên, học sinh, phụ huynh. Không tháo gỡ khó khăn khi xã hội lên tiếng, không lo nổi miếng cơm manh áo cho các thầy cô, đặc biệt là nơi vùng sâu vùng xa. Gần đây nhất, dự định bỏ biên chế khiến nhiều thí sinh không muốn vào ngành là điều tất yếu”.

Việc "cực chẳng đã"

Là một trong số những trường cao đẳng sư phạm lấy 9 điểm/3 môn cho ngưỡng đầu vào, ông Nguyễn Hữu Tuyến, Hiệu trưởng trường cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thông tin: “Các ngành sư phạm Toán, sư phạm Sinh, sư phạm Ngữ văn, nhà trường lấy điểm chuẩn là 9. Một số ngành khác lấy  mức điểm cao hơn như: Giáo dục Mầm non (15,75 điểm), giáo dục Tiểu học (17,75 điểm). 

Vì xét tuyển đợt 1 ở các trường bao giờ cũng lấy điểm cao nên chúng tôi lấy mức điểm đầu vào thấp để tạo cho thí sinh cơ hội học tại trường với các nguyện vọng.

Hơn thế, năm nay bộ GD&ĐT không quy định điểm chuẩn cho hệ cao đẳng, trong khi chỉ tiêu còn nhiều. Việc lấy điểm chuẩn này cũng là cách giúp thí sinh “sơ suất” trong quá trình tham dự thi THPT Quốc gia có cơ hội vào trường.

Lấy điểm chuẩn thấp cũng là việc “cực chẳng đã” và khó khăn chung của các trường sư phạm khi giáo viên ngày càng “mất giá””.

Xã hội - Chỉ 3 điểm 1 môn đỗ sư phạm: 'Nên ngừng tuyển sinh và đào tạo' (Hình 2).

Ông Nguyễn Hữu Tuyến cho rằng việc lấy điểm thấp là "cực chẳng đã". (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ thêm: “Tuy nhà trường công bố lấy điểm chuẩn là 9 điểm/3 môn nhưng cho đến nay, thí sinh đến xác nhận nhập học ít nhất là 12 điểm/3 môn. Có lẽ, các em cũng hiểu rằng nếu “quá đuối” sẽ khó theo học tại trường.

Hơn thế, khi đến xác nhận nhập học, chúng tôi cũng tư vấn cho các em về năng lực, định hướng chọn khoa, nghề phù hợp. Chúng tôi luôn chú trọng vấn đề đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra không quá thấp".

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.