“Chỉ áp thấp nhiệt đới mà thiệt hại lớn là chuyện hiếm gặp”

“Chỉ áp thấp nhiệt đới mà thiệt hại lớn là chuyện hiếm gặp”

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Thứ 3, 17/10/2017 10:52

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi (nay là bộ NN&PTNT) cho rằng, chính mùa khô là mùa quan trọng trong công tác phòng chống lũ lụt.

Xã hội - “Chỉ áp thấp nhiệt đới mà thiệt hại lớn là chuyện hiếm gặp”

GS.TS Vũ Trọng Hồng

PV: Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và của. Ông nhận định thế nào về diễn biến mưa lũ và công tác phòng, chống lũ lụt trong những ngày vừa qua?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Mới chỉ có áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều chứ không phải là trận lũ lớn nhưng đê ở một số vùng đã xảy ra sự cố gây hư hỏng nghiêm trọng; Yên Bái, Hòa Bình sạt lở đất dẫn đến chết người là chuyện rất hiếm gặp.

Thời tôi làm Thứ trưởng bộ Thủy lợi chưa từng xảy ra chuyện như vậy.

Tôi cho rằng để xảy ra việc này, có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do nắng suốt một thời gian dài nên phần địa chất bị tơi, bở nên khi mưa lớn trong một thời gian dài sẽ gây hiện tượng sạt lở đất.

Nguyên nhân chủ quan là do những người làm công tác hộ đê còn lơ là. Họ cho rằng, chúng ta có hồ Hòa Bình, hồ Sơn La, ở Thanh Hóa thì có hồ Cửa Đạt rất lớn, chứa được hàng tỷ mét khối nước thì hy vọng rằng không bao giờ có lũ. Đấy là sai lầm.

Xã hội - “Chỉ áp thấp nhiệt đới mà thiệt hại lớn là chuyện hiếm gặp” (Hình 2).

Hậu quả của sự cố đê sông Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội)

PV:  Ông đánh giá như thế nào về việc dự báo trước đợt mưa lũ vừa qua?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Ở Việt Nam có mưa cục bộ, mưa từng vùng. Có thể chỉ mưa trong một huyện, thậm chí ở Hà Nội là trong từng khu phố.

Mưa cục bộ đã trở nên rất phổ biến vì địa hình của chúng ta bị chia cắt nên khí tượng thủy văn cũng khác nhau, lượng hơi nước cũng khác nhau. Hơi nước bốc lên mà không có gió thì sẽ mưa rất nhiều.

Với kiểu khí hậu này thì dự báo của trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương không thể đáp ứng được. Chúng ta mới chỉ dự báo trong khoảng 100km nhưng còn dự báo trong vài km (của một huyện chẳng hạn) thì không thể dự báo chính xác được.

PV: Vậy công tác dự báo, phòng chống lũ lụt phải tiến hành như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, giảm thiệt hại về người và của, thưa ông?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Chúng ta phải nâng cao kiến thức dự báo bằng kinh nghiệm của nhân dân cộng với việc nâng cao ý thức quan tâm tới công trình đê kè thì mới chống lụt được.

Phải nhận thức rằng, mùa khô mới là mùa quan trọng trong việc kiểm tra đê. Sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng Hai, tháng Ba), chúng tôi thường đi kiểm tra đê và hoàn tất công việc này vào tháng Tư. Trong quá trình kiểm tra, chỗ nào sạt lở thì chúng tôi cho chữa, nếu mới sạt lở thì chúng tôi cho đổ vật liệu sẵn ở đấy.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của các cơ quan phòng chống lụt bão không phải chỉ hoạt động mùa lũ mà phải hoạt động mùa khô. Tức là phải đi kiểm tra chất đất có tốt không, chân đê có bị xói mòn không. Ở những vùng như Yên Bái thì phải xem đã có hiện tượng sạt nhỏ chưa, từ đó đưa ra biện pháp. Chúng ta chưa làm tốt điều này.

Kiến thức của cán bộ phòng chống lụt bão chưa được nâng cao. Người ta cứ chờ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn dự báo thì họ mới lên đê. Trong khi đó đơn vị này không thể dự báo tới cấp huyện, cấp xã, thậm chí tới tỉnh họ cũng khó báo.

Vì thế phải nâng cao kiến thức cho người quản lý đê điều và phải tổng kết những kinh nghiệm của các nước trên thế giới để học hỏi.

Xã hội - “Chỉ áp thấp nhiệt đới mà thiệt hại lớn là chuyện hiếm gặp” (Hình 3).

Nước dâng cao khiến anh Trần Văn Hải, thôn Trung Hiếu (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) không kịp "cứu" nhiều tài sản.

PV: Ông có thể nói rõ hơn kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng đê, hộ đê như thế nào không?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Chúng ta phải học tập Hà Lan. Đất nước họ thấp hơn mực nước biển. Lịch sử xây dựng đê của họ cũng khoảng thời gian như của ta nhưng đê của họ vững chắc.

Còn ta hoàn toàn cao hơn mực nước biển mà vẫn cứ để vỡ đê gây chết người, thiệt hại tài sản. Đấy là điều mà Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.