Chỉ Bộ Công an và Bộ Thông tin thì không thể ngăn tin xấu độc

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 04/11/2022 10:27

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thế giới thực ra sao, lên mạng cũng vậy. Do đó, ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó.

Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sáng nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn.

1 người Việt có 4 tài khoản MXH

Tham gia chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt vất vả, khó khăn đồng thời nếu không xử lý cẩn thận sẽ dẫn đến nguy cơ PR cho người vi phạm.

Từ đó, ông Nghĩa đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng này trong bối cảnh lực lượng ngành thông tin truyền thông còn mỏng đồng thời số tài khoản mạng xã hội lên đến hàng chục triệu và có những tài khoản ở nước ngoài.

Tiêu điểm - Chỉ Bộ Công an và Bộ Thông tin thì không thể ngăn tin xấu độc

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4/11 (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định việc kiểm soát thông tin xấu độc ở Việt Nam thực sự khó khăn bởi lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. Ông nhận định đây là con số cao.

Về giải pháp căn bản, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Thế giới thực ra sao, lên mạng cũng vậy. Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó”.

Do đó, tất cả bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường cần quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Thậm chí đến mức tế bào là gia đình cũng cần quản lý con cái trên không gian này.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, toàn bộ xã hội vào cuộc mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề trên không gian mạng.  Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng.

Tiêu điểm - Chỉ Bộ Công an và Bộ Thông tin thì không thể ngăn tin xấu độc (Hình 2).

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tham gia tranh luận với Bộ trưởng TT&TT (Ảnh: Quochoi.vn).

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính.

Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… Đại biểu Nghĩa cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc.

Tiếp đến, đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng, cần cho công chúng đọc được nhiều thông tin đa chiều, thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng mà phải mang tính thuyết phục cao, phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới hay.

Bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả.

Gần 2 triệu giao dịch mỗi ngày qua cơ sở dữ liệu

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng về việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu quốc gia nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu các bộ ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Nữ đại biểu chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiêu điểm - Chỉ Bộ Công an và Bộ Thông tin thì không thể ngăn tin xấu độc (Hình 3).

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay cả nước có 8 cơ sở dữ liệu kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhưng mang tính toàn quốc. Những cơ sở này khi đã kết nối thông qua đường trục về chia sẻ kết nối được Bộ Thông tin vận hành sẽ kết nối hiệu quả.

Ông Hùng cũng cho biết, mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối Trung ương, địa phương bộ ngành với nhau và trong đó có đóng góp đáng kể từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2021.

Vấn đề còn lại là nhiều cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Trong khi đó, một số hệ thống công nghệ thông tin muốn kết nối để lấy dữ liệu nhưng chưa đảm bảo điều kiện. Bộ Thông tin đang xử lý vấn đề này trên cơ sở đảm bảo an toàn, an ninh mạng để kết nối.

Bộ trưởng lưu ý các bộ, ngành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu của mình cần công bố, chia sẻ để Chính phủ, Bộ Thông tin thúc đẩy kết nối.

Nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.

Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Việc quản lý thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến khác.

Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.