Bánh chưng đạt yêu cầu phải có màu xanh đặc trưng của lá, nếp mềm dẻo mà không nát, thịt mỡ phải vừa đủ không ít không nhiều. Điều đặc biệt, làm cách nào để lớp gạo nếp và vỏ ngoài bánh chưng có màu xanh đẹp mắt?
Đó chính là nước lá giềng!
Bạn hãy dùng lá giềng (riềng) giã nhỏ lấy nước trộn với nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có một màu xanh suốt từ vỏ đến nhân và lại có một mùi thơm rất đặc biệt. Ngoài ra, trước khi gói bánh còn phải chần lá qua nước sôi để diệt hết mầm nấm mốc. Nếp phải được đãi thật sạch qua hàng chục nước đến khi nào nước trong mới thôi. Làm như vậy để rửa trôi hết bụi cám bám quanh hạt nếp đi, bánh sẽ trong và lâu bị chua.
Khi nấu bánh, dùng lá dư, sống lá dong đã cắt chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi để bánh không bị cháy, ngoài ra số lá này cũng làm nước nấu bánh xanh hơn.
Bạn có nên gói bánh chưng bằng khuôn? Nên hạn chế vì gói bánh bằng khuôn thì lá sẽ bị cắt triệt để, lớp lá dọc ngoài mỏng, 4 góc bánh bị cắt lá ghép vào nhau nên bánh dễ bị bục khi chèn ép. Những góc này cũng là nơi dễ bị mốc nhất. Thế nên bí quyết để luộc bánh chưng xanh và ngon là bạn nên gói bánh bằng tay.
Gói bánh chưng phải gói bằng mặt sống lưng lá chứ không nên gói mặt trong. Một số người vẫn bị mắc lỗi này. Lúc gói bánh cần gói chặt tay, sao cho khi bạn vỗ bánh xuống đất sẽ làm bánh càng vuông vức hơn. Luộc bánh chưng là khâu quan trọng nhất vì luộc bánh chưng mất nhiều thời gian và công sức. Chú ý khi luộc nhớ chèn chặt bánh để khỏi bị vỡ vì khi đun bánh nở ra, luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn bằng các loại khác.
Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi, không bao giờ được thiếu nước nên có thùng tiếp nước bên cạnh. Bạn không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này.
Nguyên Anh (Tổng hợp)