Một sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM đã tình cờ chụp bức hình và đưa lên mạng với những lời bình luận rất xúc động: “Tôi chợt nhìn thấy một bác bảo vệ già tóc đã bạc... lấy trong túi ra một ít cơm, một ít rau muống luộc và ít nước mắm, bữa cơm đạm bạc của bác bảo vệ khiến tôi khựng người lại… Giá như bức tường to cả mét kia không tồn tại thì bác cũng ngồi ghế cao như những nhân viên công sở hay du khách nước ngoài, cũng ăn những món ăn “ít đạm nhiều dollar” kia. (Giá như) ngay lúc đó tôi có đủ tiền để mời bác một ly café, để bác được ngồi song song như những người kia và cảm nhận được “vị ngọt” trong ly café đắng.
Trong hàng ngàn lượt like, hàng trăm chia sẻ, có thể thấy điển hình là 2 chữ “cay mắt”.
Cuộc sống đôi khi đầy những cảnh đời tương phản, khi những người này thì dùng bừa phứa một bữa ăn “ít đạm nhiều dollar”, người khác thử thách sức chịu đựng của cơ thể và lòng kiên nhẫn với rau muống luộc. Bức tường ngăn cách những cảnh đời đúng là “dày đến cả mét”, nhưng còn có một bức tường khác, dày hơn - đó là bức tường khoảng cách giàu-nghèo.
Cũng ngày hôm qua, báo chí đăng tải hình ảnh những đứa trẻ ở Ba Tơ - Quảng Ngãi, với nước ngập ngang bụng, sách vở đội trên đầu, lội qua quãng sông rộng đến 300m để đến trường. Nguyên nhân ư? Bởi chúng không có 2 ngàn đồng trả “phí cầu tre”. Bởi “kinh phí xây cầu quá lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng nên chưa thực hiện được”.
Không hiểu sao, khi nói đến chuyện những cây cầu, người viết lại nhớ đến ông Lê Tất Dũng với cây cầu tự xây bằng toàn bộ tài sản vượt dòng Vu Gia, trong khi nhiều người khác giàu có hơn ông Dũng thì không làm vậy.
Để xóa đi những “bức tường dày”, chỉ “cay mắt” thôi thì chưa đủ. Bởi ngoài “bức tường dày cả mét” giữa bác bảo vệ ăn bữa cơm trưa đạm bạc và những người thưởng thức bữa ăn “ít đạm nhiều dollar”, ngoài bức tường ngăn cách giàu-nghèo, thưa các bạn, còn có một bức tường khác: Bức tường ngăn cách giữa những cơn “cay mắt” của lương tâm trên mạng xã hội và hành động cứu giúp ngoài cuộc sống.
Anh Đào (Lao Động)