Chị chẳng ngoan lắm đâu!

Chị chẳng ngoan lắm đâu!

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Nói ra để em biết, chị không hoàn hảo, toàn diện như trong suy nghĩ của em. Nhưng chị cũng không khuyến khích em quay cop và coi đó là chuyện thường đâu nhé. Gian lận trong thi cử là không tốt, hãy học thật.

Chị biết tả thế nào về khuôn mặt em lúc em đưa bản kiểm điểm cho mẹ kí nhỉ? Chị vừa tức, vừa thương vừa buồn cười. Vì cái vẻ mặt ấy nó khác xa với vẻ mặt em nhìn mọi người hàng ngày, và nó chỉ xuất hiện khi em cần sự cảm thông, sự thương xót từ người khác, cụ thể lúc này là mẹ.

Thấy con phải viết bản kiểm điểm tất nhiên bậc làm cha làm mẹ nào mà chẳng tức giận. Xem nào, em phải làm bản kiểm điểm vì tội quay cop trong giờ kiểm tra 1 tiết, bị bắt ghi sổ đầu bài, ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Cô giáo chủ nhiệm bắt làm bản kiểm điểm là đúng lắm! Chẳng oan ức gì đâu mà em phụng phịu như mình vô can.

Mẹ hỏi lý do tại sao em quay bài? Em thật thà hay giả vờ ngốc mà lại nói: "Con có học bài nhưng câu hỏi cô ra lại không trúng vào phần con đã học." Ôi, muôn thuở lại là cái tội học tủ. Bị mẹ mắng cho một trận là đáng lắm. Nếu em mà phạm lỗi khác chắc chị cũng cho một trận chứ không đứng nghe đâu. Nhưng tại cái tội quay cop nên chị chẳng nói được câu gì.

Mẹ quay sang và nói: "Nhìn chị con xem, 12 năm liền đi học có bao giờ quay cop không? Đi học mà gian lận thế thì đi học để làm gì?" Em nhìn chị lườm một cái, chị hiểu chứ, em ghét bị so sánh như thế lắm đúng không. Thực ra lúc ấy chị thấy nóng hết cả tai, nên từ từ lảng đi chỗ khác, rút lên lên phòng và viết cho em cái entry này. Chị không hi vọng em đọc được vì chị không hề muốn làm mất hình tượng của chị trong em chút nào cả. Nhưng nếu có đọc được thì hãy đọc đến dòng cuối cùng nhé!

Pháp luật - Chị chẳng ngoan lắm đâu!Chị phải viết ra để thấy bớt hổ thẹn hơn. Chị cũng chẳng ngoan lắm đâu!

Chị cũng từng là học sinh như em nên chị rất hiểu. Có một sự thật mà các thầy cô và bố mẹ của chúng ta cần biết để không quá tự hào về con mình, đó là, đứa nào từng ngồi trên ghế nhà trường cũng đã không nhiều thì ít vài lần gian lận, quay cop trong giờ kiểm tra. Chị cũng đâu có ngoại lệ.

Mẹ không bao giờ biết vì có ai quay cop về nhà lại bô bô hôm nay kiểm tra con giở sách vở hay ngó nghiêng bạn bên cạnh không? Chẳng có đứa nào như thế đâu. Và có chăng là em đen đủi nên bị bắt chứ chị chắc tại "ăn ở hiền lành" nên trời thương chưa bị bắt lần nào!

Tuy vậy thì chị có thể tự tin nói với em rằng: Chị chỉ bắt đầu biết đến quay cop, gian lận khi học cấp 3 thôi. Còn những năm học về trước, chị hoàn toàn "trong sáng". Mà cũng chỉ quay bài mỗi môn sử thôi! (Phải chăng chị cũng góp phần tạo nên "thảm họa lịch sử" cho nước nhà?)

Em cũng biết đấy, chị học ở một lớp chọn Toán nên những môn học thuộc lòng chẳng khác nào tra tấn. (Hình như chị đang tự ngụy biện cho sự lười học của mình thì phải!) Làm sao mà nhét vào đầu cho nổi những dòng chữ loằng nhoằng, những mốc thời gian cực kì khó nhớ và dễ nhầm lẫn ấy. Con người thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hoàn cảnh sống. Vậy nên sống trong một môi trường mà toàn những con người của số học, định luật, tính toán, phương trình, hàm số nên môn Lịch sử trở nên chẳng ăn nhập gì với "nhịp sống số" của tập thể lớp cả. Môn sử bị tảy chay là điều tất yếu phải xảy ra. Chị cổ vũ cho phong trào này mạnh mẽ nhất là khi bắt đầu bước vào lớp 12. Chắc em cũng hiểu lý do tại sao.

Ngày ấy, bàn chị có 4 người. 3 nữ, 1 nam. Anh con trai kia ngồi góc trong cùng, cực kì thuận lợi cho việc "hoạt động". Thật may là nó hiền lành, với lại yếu thế nên bị bọn chị bắt nạt suốt.

Giờ học bình thường của môn sử thì cực kì nhàm chán, cả lớp chẳng có mấy đứa giơ tay phát biểu xây dựng bài gì cả. Bởi một lẽ có hứng thú đâu mà xây dựng được chứ. Nó khác xa so với những tiết toán, lý hay hóa. Nhiều thầy cô cũng hiểu và thông cảm được cho điều ấy nhưng cũng không hài lòng chút nào trước thái độ của lớp chị với môn Sử. Nhưng biết làm sao được. (Chị lại đổ thừa cho hoàn cảnh rồi!)

Nhưng những tiết có bài kiểm tra thì không khí lại trang nghiêm lạ thường. Có gì đâu, yên tĩnh, bí mật mà "hoạt động" chứ. Bàn chị à, anh con trai mà chị kể ngồi trong cùng ấy, khi nào hội tụ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" là ngay lập tức chớp thời cơ - giở sách!

Anh ấy sẽ nhanh chóng "chép những cái cần thiết". "Những cái cần thiết ấy" sẽ lại nhanh chóng được chị ngồi ngay cạnh chị cop vào bài, tiếp đến là chị và người dùng cuối cùng là chị kế bên chị. Một bộ máy hoạt động trơn chu, nhẹ nhàng và linh hoạt.

Còn nhớ có một lần kiểm tra vào mùa đông, mọi người ăn mặc khá lù xù, tay áo chị thì rộng nên ngăn cản chị ngồi kế bên "liếc và chép" nên chị ấy huých tay chị một cái rồi lầm bầm: "Bà xắn cái ống tay lên, tôi nhìn khó quá, nhầm dòng trên dòng dưới tùm lum hết cả rồi!" Chị phải cố nhịn để không bật cười, vội vàng vén ống tay lên gọn gàng. Mọi việc trôi qua suôn sẻ, trống báo hết giờ làm cái, thầy thu bài là chị lăn ra cười. Rồi 3 đứa quay sang làm cái động tác cực kì chuối để cảm ơn thằng bạn tốt. Nó tít mắt: "Không có gì. Tôi có sự lựa chọn khác sao? Sợ mấy bà hơn cả sợ bị bắt quay bài ấy chứ!" Mấy đứa chị lại được một phen cười bò. Là vậy đấy, em trai!

Tiện đây kể luôn cho em cái số "lận đận" của anh con trai duy nhất của bàn chị. Luôn là người có công đầu trong việc giúp nhau "thoát nạn" nhưng luôn là người có kết quả không có hậu nhất! Lần nào trả bài, anh ấy cũng bị điểm kém nhất bàn em trai ạ. Thế có khổ không? Có lần 3 đứa chị được 8 điểm, anh ấy mặt ngắn tũn vì con 6 chình ình trước mặt. Bọn chị "cười gượng" an ủi!

Anh ấy kêu đời bất công! Tính xù, từ nay không "tốt" với bọn chị nữa. Hậu quả chắc chắn là tang thương hơn rồi!

Rồi bọn chị lấy bài kiểm tra của anh ấy, phân tích và đưa đến những kết luận lý giải cho con điểm ấy. Thứ nhất, chữ anh ấy quá xấu. Thứ hai, chữ anh ấy quá nhỏ. Bọn chị viết hết cả 4 mặt giấy mà bài anh ấy ngắn ngủn có 2 mặt không à? Vậy nên điểm kém hơn bọn chị là điều hiển nhiên, bất công gì đâu?

Phân tích vậy thôi, chứ sau đó bọn chị quay sang ngọt nhạt để lần sau còn có người mà nhờ vả chứ! Ngọt nhạt mà không được là chuyển qua dọa nạt. Cuối cùng thì chuyện lại đâu vào đó, vẫn là bộ tứ suốt những năm tháng học 12.

Nói ra để em biết, chị không hoàn hảo, toàn diện như trong suy nghĩ của em. Nhưng chị cũng không khuyến khích em quay cop và coi đó là chuyện thường đâu nhé. Gian lận trong thi cử là không tốt, hãy học thật. Hãy nhìn chị thì em sẽ thấy hậu quả của việc lười học môn sử, nhầm lẫn triều đại lung tung hết cả. Em hỏi chị mấy câu lịch sử chị đều lảng là vì thế.

Chịu khó học đi. Học không bao giờ là thừa cả. Bản kiểm này là đáng lắm. Hãy lấy đó làm bài học mà cố gắng, lấy lại niềm tin của mẹ nhanh chóng nhé em trai!

Bluemoon

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.